sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa

13/02/2024

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sau chuỗi 4 ngày liên tiếp lên điểm, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua (13/2), chỉ số MXV-Index giảm nhẹ xuống 2.133 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.100 tỷ đồng. Trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu, diễn biến tương đối phân hóa. Hầu hết các mặt hàng nhóm kim loại đều tăng giá trong khi nhiều mặt hàng khác lại chìm trong sắc đỏ.

Giá dầu tiếp tục biến động trước rủi ro địa chính trị

Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 12/2, giá dầu tiếp tục biến động trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Trung Đông đang được đẩy lên cao. Ngoài ra, lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt khi các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cam kết tuân thủ thỏa thuận cắt giảm tự nguyện, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.

Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,1% lên 76,92 USD/thùng, ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 1, đồng thời đánh dấu chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 9/2023. Trong khi đó, giá dầu Brent gần như không đổi so với mức tham chiếu khi chỉ giảm nhẹ 0,23% xuống 82 USD/thùng. 

Vào sáng sớm thứ Hai (12/2), lực lượng Israel đã phát động một chiến dịch không kích đặc biệt để giải thoát hai con tin Israel ở thành phố Rafah, nơi có hơn 1 triệu người đang tìm chỗ ẩn náu. Trong khi đó, Cơ quan Điều hành thương mại hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) đã nhận được báo cáo về việc một con tàu bị tên lửa tấn công tại Biển Đỏ. 

Tình hình bất ổn về địa chính trị tại Trung Đông đang làm rung chuyển ngành vận tải hàng hải toàn cầu và làm tăng rủi ro nguồn cung trong khu vực bị gián đoạn, điều này đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu phiên hôm qua. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel-Ghani và Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei cho biết hai nước này sẽ cam kết tuân thủ các quyết định của OPEC nhằm đảm bảo ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết Iraq cam kết sản xuất tối đa 4 triệu thùng dầu/ngày. Hiện xuất khẩu dầu thô của nước này nằm trong khoảng 3,35 - 3,4 triệu thùng/ngày. 

Ngoài ra, sản lượng dầu từ các lưu vực đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại vào tháng tới cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô từ 7 lưu vực đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng 0,2% so với tháng trước lên 9,72 triệu thùng/ngày vào tháng 3, giảm tốc so với mức tăng trưởng trung bình hàng tháng của năm ngoái là khoảng 0,9%. 

Thị trường đậu tương phục hồi

Sau đợt giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, thị trường đậu tương đã có phiên hồi phục vào ngày hôm qua. Mặc dù trong báo cáo tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra các số liệu cung cầu của Brazil thiên về tác động “bearish” nhưng một số rủi ro về nguồn cung vẫn còn. Điều này đã hạn chế đà giảm của đậu tương. 

Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (Imea) cho biết tính đến ngày 9/2, tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 23/24 tại bang đạt 51,5% kế hoạch, tăng 12,3 điểm phần trăm so với một tuần trước. Tiến độ thu hoạch năm nay cao hơn so với mức 44,1% cùng kỳ năm ngoái và 44,91% trung bình lịch sử. Hạn hán và nắng nóng đã đẩy nhanh tiến trình mùa vụ, nhưng cũng gây thiệt hại cho năng suất cây trồng. Imea dự báo Mato Grosso sẽ thu hoạch 38,44 triệu tấn đậu tương trong năm nay, giảm 1,44% so với ước tính tháng 1 và thấp hơn 15,17% so với năm ngoái.

Lo ngại vẫn chưa dừng lại khi hai công ty tư vấn nông nghiệp hôm 9/2 đã giảm ước tính sản lượng đậu tương của Brazil do thời tiết bất lợi ở các bang sản xuất lớn nhất. Theo dự báo mới nhất của Safras & Mercado, Brazil sẽ sản xuất khoảng 149 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, giảm 5,5% so với niên vụ trước và thấp hơn mức hơn 151 triệu tấn ước tính trước. Thời tiết bất lợi đã làm suy giảm triển vọng mùa vụ. Trong khi đó, Cogo cũng hạ dự báo sản lượng đậu tương năm nay của Brazil xuống còn 148,5 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 155,2 triệu tấn ước tính trước và thấp hơn 9,1% so với kỳ vọng đầu mùa. Đây chính là yếu tố chính tác động lên diễn biến hồi phục giá đậu tương. 

Giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương diễn biến khá trái chiều trong phiên 12/2. Giá khô đậu hợp đồng tháng 3 có thời điểm đã bật tăng mạnh tới 9 USD nhưng đóng cửa lại tăng nhẹ do áp lực chốt lời của giới đầu cơ. Trong khi đó, dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất trong nhóm nông sản có giá suy yếu. Dự báo hiện tượng La Nina trở lại mang theo triển vọng tích cực về nguồn cung dầu cọ và tạo sức ép lên giá các mặt hàng dầu thực vật.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)