sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá năng lượng lao dốc kéo chỉ số hàng hoá MXV-Index giảm mạnh

17/11/2023

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đỏ lửa trong ngày giao dịch hôm qua. Giá của 19 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt đóng cửa suy yếu. Thêm vào đó, mức giảm giá rất mạnh của nhóm năng lượng đã kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày hạ 1,82% xuống 2.178 điểm.

Giá dầu xuống thấp nhất 4 tháng do kỳ vọng dư cung

Dầu thô vừa trải qua ngày lao dốc mạnh, ghi nhận mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ 4/10, về vùng thấp nhất trong hơn 4 tháng qua. Cụ thể, chốt ngày giao dịch 16/11, giá dầu WTI đánh mất 4,9% giá trị xuống còn 72,9 USD/thùng. Dầu Brent giảm 4,63%, đóng cửa tại mức giá 77,42 USD/thùng. 

MXV cho biết trạng thái “bù hoãn mua” trên thị trường dầu cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư về tình hình dư cung trong ngắn hạn, khi hàng tồn kho có dấu hiệu gia tăng. Hơn nữa, các dữ liệu kinh tế ảm đạm từ một số nền kinh tế tiêu thụ dầu hàng đầu cũng đem lại kỳ vọng không tốt cho giá.

Lần đầu tiên sau 4 tháng, giá dầu thô giao ngay toàn cầu được giao dịch ở mức chiết khấu so với các hợp đồng dài hạn, còn được gọi là trạng thái “bù hoãn mua”, một tín hiệu cho thấy các nhà giao dịch tin rằng thị trường dư cung. Hôm qua, hợp đồng tháng trước của dầu WTI được giao dịch thấp hơn tới 0,23 USD so với hợp đồng tháng thứ hai. Chênh lệch đối với dầu Brent cũng lên tới 0,13 USD. 

Trong một dấu hiệu cho thấy dầu thô đang trở nên dồi dào hơn, hàng tồn kho thương mại quanh điểm giao hàng dầu kỳ hạn WTI của Mỹ tại Cushing, Oklahoma đã bắt đầu tăng đáng kể. 

Tồn kho tại Cushing đã tăng tổng cộng 4 triệu thùng trong 4 tuần gần đây nhất, kể từ giữa thời điểm thị trường cạn kiệt dầu thô vào giữa tháng 10. Sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn ở mức cao kỷ lục, đạt 13,2 triệu thùng dầu/ngày.  

Trong khi đó, yếu tố vĩ mô không mấy tích cực cũng đã gây áp lực lên giá dầu. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 11/11 đạt mức 231.000, cao hơn 11.000 đơn so với dự báo, cao nhất trong gần 3 tháng trở lại đây. Sản lượng công nghiệp tháng 10/2023 của Mỹ giảm 0,6% so với tháng trước. Sản lượng sản xuất cũng giảm 0,7%. 

Trước đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng cho thấy các dữ liệu kém sắc, với đầu tư tài sản cố định giảm mạnh trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, và giá nhà tiếp tục lao dốc. 

Điều này làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu thô cũng yếu hơn, thúc đẩy lực bán trên thị trường. Mới đây, nhà sản xuất dầu Qatar Energy đã giảm giá các lô hàng dầu thô al-Shaheen kỳ hạn vào tháng 1/2024 thêm 1,5 USD/thùng, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng do lo ngại về sức cầu suy yếu.

Thời tiết bất lợi cản trở thu hoạch cà phê ở Việt Nam đẩy giá Robusta tăng 

Đóng cửa ngày 16/11, giá đường 11 đã có ngày giao dịch đầy biến động, đóng cửa giá tăng không đáng kể 0,15% so với mức tham chiếu. Áp lực từ giá dầu thô đi xuống, kết hợp với lo ngại về nguồn cung khi El Nino vẫn tiếp diễn đưa đến tác động trái chiều với giá đường.  

Một mặt, giá dầu thô sụt gần 5% giúp thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường thay vì chiết suất ethanol. Điều này tạo điều kiện để nguồn cung đường tại Brazil tăng lên và gây sức ép đến giá.  

Mặt khác, Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ dự báo El Nino sẽ kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Điều này có thể khiến mùa vụ mía đường tại Ấn Độ và Thái Lan tiếp tục bị ảnh hưởng xấu và kéo theo sản lượng đường ở mức thấp, đồng thời thúc đẩy lực mua đường.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá Robusta tiếp tục tăng, đóng cửa cao hơn mức tham chiếu 0,67%. Trong khi đó, giá Arabica quay đầu giảm 2,26%. Lượng cà phê chờ phân loại tăng lên trên Sở ICE-US phần nào tạo áp lực lên giá Arabica. Ngược lại, thị trường xuất hiện thông tin mưa làm chậm quá trình thu hoạch cà phê tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy lực mua đối với Robusta. 

Với 2.865 bao Arabica loại 60kg mới được bổ sung từ Honduras, Burundi và Tanzania trong phiên 15/11, đã đưa tổng số cà phê đang chờ phân loại lên mức 7.265 bao. Điều này giúp tăng thêm cơ sở để dữ liệu tồn kho có thể cải thiện sau đà giảm sâu xuống mức thấp nhất trong hơn 24 năm.  

Đồng thời, theo cập nhật mới nhất từ ICE, báo cáo đóng cửa phiên 16/11 cho thấy đã có thêm 285 bao bổ sung từ Kenya, đưa tổng số bao chờ phân loại hiện tại lên 7.550 ba0.  

Trong khi đó, Reuters Việt Nam cho biết, mưa tại vành đai cà phê của Việt Nam đang khiến quá trình thu hoạch của nông dân bị chậm lại. Đồng thời, lượng còn phê hiện có đang ở mức thấp và mùa vụ mới không có những tín hiệu tích cực. Điều này dấy lên lo ngại về khả năng đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường, từ đó hỗ trợ giá Robusta.

Sáng nay 17/11, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ  tiếp tục được điều chỉnh tăng khoảng 200 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua cà phê tại nhiều địa phương trong nước đã vượt mốc 60.000 đồng/kg, cao hơn 65% so với cuối năm ngoái.

Giá xuất khẩu cà phê hiện tại cao nhất trong vòng 30 năm qua, bình quân đạt 2.682 USD/tấn trong tháng 9/2023, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường trong nước, giá cà phê cũng lập mốc cao kỷ lục, có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)