Tin tức
Giá năng lượng và kim loại đồng loạt đi xuống
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch qua (29/1 - 2/2), sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu. Đã có 25 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV giảm giá, kéo chỉ số MXV-Index hạ 2,42% xuống 2.103 điểm, nối dài đà suy yếu sang phiên thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, nhờ ưu điểm giao dịch hai chiều, giá trị giao dịch trung bình toàn sở tuần qua vẫn đạt hơn 7.500 tỷ đồng mỗi ngày. Trong đó, ngày 2/2, giá trị giao dịch lên mức 9.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngày giao dịch cuối tuần, giá trị giao dịch nhóm năng lượng tăng đột biến 228%, chiếm hơn 67% tổng giá trị giao dịch của toàn sở.
Giá dầu lao dốc mạnh sau hai tuần tăng liên tiếp
Theo MXV, lực bán mạnh trên thị trường dầu thô đã kéo giá dầu có mức giảm theo tuần mạnh nhất trong vòng 4 tháng qua. Trong tuần giao dịch ngày 29/1 - 4/2, áp lực từ cả hai phía cung cầu cùng những thông tin xoay quanh xung đột tại khu vực Trung Đông khiến giá rung lắc mạnh. Chốt tuần, giá dầu WTI giảm 7,35% xuống 72,28 USD/thùng. Dầu Brent giảm 6,78% xuống 77,33 USD/thùng. Cả hai loại đều đạt mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1.
Theo thông tin từ tờ báo Al Jazeera trích dẫn ngày 1/2, Qatar, trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas, cho biết Israel đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn trong bối cảnh căng thẳng liên tục leo thang. Điều này mở ra một số bước tiến mới trong nỗ lực làm dịu xung đột, tác động mạnh tới tâm lý thị trường và đẩy giá dầu lao dốc trong tuần trước. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất vào tối Chủ nhật, một quan chức cấp cao của Hamas phủ nhận việc chấp thuận đề xuất ngừng bắn và thả con tin được đưa ra ở Paris. Điều này đã khiến giá dầu mở cửa giao dịch sáng nay (5/2) với mức tăng mạnh hơn 0,7%.
Tuần trước, yếu tố cung cầu cũng gây sức ép lên giá dầu. Dữ liệu theo dõi tàu của Kpler cho thấy mức độ cắt giảm sản lượng tự nguyện của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang tương đối chậm.
Kpler ước tính, xuất khẩu từ 7 thành viên hàng đầu OPEC+ tham gia cắt giảm mới đạt trung bình khoảng 15,4 triệu thùng/ngày trong tháng này, hầu như không thay đổi so với tháng 12.
Cũng trong tuần qua, cuộc họp của OPEC+ kết thúc mà không có sự điều chỉnh hay thay đổi về chính sách. Thông tin mờ nhạt về cuộc họp làm dấy lên lo ngại về mức độ tuân thủ cam kết và nguồn cung được bơm ra thị trường từ phía OPEC+. Giá dầu cũng đã giảm mạnh sau cuộc họp.
Yếu tố cung cầu tại Mỹ cũng gây sức ép cho giá dầu, sản lượng bị sụt giảm mạnh do các giếng dầu đóng băng nay đã phục hồi. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng trong tuần kết thúc ngày 26/1 tăng 700.000 thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ bất ngờ tăng 1,23 triệu thùng trong cùng tuần, trái ngược hoàn toàn với báo cáo của Viện dầu khí độc lập (API) rạng sáng cùng ngày, với mức giảm 2,5 triệu thùng. Tồn kho xăng cũng tăng 1,15 triệu thùng trong tuần trước. Điều này phản ánh nhu cầu tiếp tục suy yếu.
Về yếu tố vĩ mô, cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc với mức lãi suất không đổi 5,25 - 5,5%. Tuy nhiên, chủ tịch FED trong bài phát biểu sau cuộc họp đã bác bỏ mạnh mẽ kịch bản cắt giảm lãi suất vào mùa xuân như phần lớn thị trường mong đợi. Đồng USD tăng giá thể hiện qua chỉ số Dollar Index tăng 0,47% trong tuần qua cũng góp phần gây sức ép cho giá dầu khi chi phí mua hàng đắt đỏ hơn.
Toàn bộ 10 mặt hàng kim loại chìm trong sắc đỏ
Kết thúc tuần giao dịch 29/1 - 4/2, áp lực vĩ mô tăng cao đã đẩy giá các mặt hàng kim loại đồng loạt giảm. Đối với kim loại quý, giá bạc chốt tuần tại mức 22,79 USD/ounce sau khi để mất 0,33%. Giá bạch kim giảm 2,14% về 901,6 USD/ounce, mức thấp nhất trong gần ba tháng qua.
Tâm điểm thị trường tuần qua hướng về cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ngay từ các phiên đầu tuần trước khi FED công bố quyết định lãi suất, nhóm kim loại quý đã phải đối diện với áp lực bán mạnh khi kỳ vọng hạ lãi suất dần bị xói mòn.
Tới giữa tuần, sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% và bác bỏ khả năng hạ lãi suất vào tháng 3. Điều này đã khiến đồng USD bật tăng và kéo giá kim loại quý tiếp tục giảm. Áp lực bán thậm chí còn tăng mạnh hơn vào cuối tuần khi Mỹ công bố số liệu lao động tích cực, củng cố cho kịch bản “hạ cánh mềm”.
Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, nước này đã có thêm 353.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 1/2024, vượt xa mức 180.000 mà giới chuyên gia dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2023. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 3,7% trong tháng thứ ba liên tiếp.
Sau khi dữ liệu được công bố, xác suất FED hạ lãi suất vào tháng 5 giảm xuống còn 70%, so với 92% trước khi công bố bảng lương. Đồng USD cũng bật tăng mạnh ngay sau báo cáo, đẩy giá kim loại quý lao dốc. Chốt tuần, chỉ số Dollar Index tăng 0,47% lên 103,92 điểm.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 0,79% về 3,82 USD/pound, đứt chuỗi tăng hai tuần liên tiếp. Giá quặng sắt giảm 5,21% về 128 USD/tấn. Đồng USD tăng giá cũng là yếu tố gây sức ép lên nhóm kim loại cơ bản.
Bên cạnh đó, đồng và quặng sắt vốn là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Do đó, việc lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp đã khiến triển vọng tiêu thụ đồng và quặng sắt trở nên kém sắc hơn, kéo giá sụt giảm. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã thu hẹp tháng thứ tư liên tiếp, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất chỉ đạt 49,1 điểm trong tháng 1/2024.
Hơn nữa, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc kéo dài hai tuần đang tới gần. Đây thường là khoảng thời gian nhu cầu tiêu thụ đồng hay quặng sắt trầm lắng hơn, đặc biệt là khi các nhà máy gần như đã hoàn tất việc tích trữ hàng tồn kho.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)