Tin tức
Giá năng lượng và kim loại đồng loạt tăng mạnh
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh chiếm ưu thế trên thị trường hàng hoá trong ngày hôm qua. Chỉ số MXV- Index đóng cửa tăng 1,05% lên 2.188 điểm, nối dài đà phục hồi sang ngày thứ ba liên tiếp. Đáng chú ý, các mặt hàng nhóm năng lượng và kim loại đồng loạt tăng giá trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine có dấu hiệu leo thang, thị trường kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất và lo ngại nguồn cung bị thắt chặt. Đóng cửa, giá trị giao dịch toàn Sở ở mức 4.100 tỷ đồng.
Căng thẳng địa chính trị leo thang, giá dầu quay đầu đi lên
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 13/3, giá dầu bật tăng gần 3% trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu leo thang. Ngoài ra, tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá.
Chốt phiên, giá dầu WTI chấm dứt chuỗi giảm hai phiên liên tiếp khi tăng 2,78% lên 79,72 USD/thùng. Dầu Brent tăng 2,58% lên 84,03 USD/thùng.
Làn sóng tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại một số nhà máy lọc dầu. Các quan chức Nga cho biết đám cháy đã bùng phát tại Norsi, nhà máy lọc dầu lớn thứ tư của Nga, với công suất 317.000 thùng/ngày. Hỏa hoạn cũng xảy ra tại nhà máy lọc dầu Ryazan do Rosneft kiểm soát với công suất 350.000 thùng/ngày. Trong khi đó, nhà máy lọc dầu Novoshakhtinsk với công suất 96.000 thùng/ngày ở vùng Rostov phía nam nước Nga đã phải đình chỉ hoạt động trong ngắn hạn sau khi máy bay không người lái bị bắn hạ rơi xuống khu vực này.
Do ảnh hưởng của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ phía Ukraine, công suất lọc dầu của Nga có thể bị sụt giảm đáng kể và xuất khẩu ít nhiên liệu hơn. Tâm lý lo ngại nguồn cung từ Nga thắt chặt đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu.
Ngoài ra, theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 8/3 giảm 1,5 triệu thùng, giảm mạnh hơn so với dự báo giảm 1,3 triệu thùng của Reuters. Tồn kho xăng cũng ghi nhận mức giảm mạnh 5,6 triệu thùng, đánh bại kỳ vọng giảm 1,9 triệu thùng của giới phân tích. Tồn kho tại trung tâm lưu trữ quan trọng Cushing, Oklahoma, giảm về 31,5 triệu thùng, từ 31,7 triệu thùng của một tuần trước.
Trong khi đó, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu, tăng 509.000 thùng lên 20.803 triệu thùng. Mặt khác, sản lượng của Mỹ đã ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp khi giảm 100.000 thùng/ngày về 13,1 triệu thùng. Đà tăng của giá dầu được mở rộng ngay sau thời điểm công bố báo cáo.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết Mỹ đã mua 3,25 triệu thùng dầu thô sản xuất trong nước, dự kiến giao hàng vào tháng 8 để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR). Theo đó, các công ty ExxonMobil Oil Corporation, Macquarie Commodities Trading US LLC và Sunoco Partners Marketing & Terminals LP sẽ cung cấp lần lượt 1,05 triệu thùng, 1,2 triệu thùng và 1 triệu thùng cho DOE.
Giá kim loại quý thiết lập các mức đỉnh
Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua, nhóm kim loại ghi nhận nhiều mặt hàng tăng giá mạnh, trong đó một số mặt hàng thiết lập các đỉnh cao đáng chú ý. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc bật tăng 3,12% lên 25,15 USD/ounce, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái, bạch kim duy trì xu hướng tăng, chốt phiên ở mức cao kỷ lục hai tháng qua với mức giá 944,9 USD/ounce sau khi tăng 1,8%. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới, bất chấp tín hiệu lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt chậm dần.
Dữ liệu lạm phát Mỹ tháng 2 mặc dù cao hơn kỳ vọng của thị trường, nhưng dường như không làm thay đổi suy đoán rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6. Công cụ theo dõi lãi suất FED watch của CME Group cho thấy không có sự biến động đáng kể nào trong ý kiến của các nhà đầu tư về thời điểm hạ lãi suất. Khoảng 56% vẫn cho rằng tiến trình sẽ bắt đầu vào tháng 6. Điều này đã thúc đẩy giá bạc và bạch kim phục hồi mạnh mẽ sau khi giảm trong phiên trước đó, do lãi suất thấp hơn khiến chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý bớt đắt đỏ hơn.
Lạm phát chi phí trú ẩn đã chậm lại, xuống còn 0,4% trong tháng 2 so với tháng trước so với tốc độ 0,6% trong tháng 1. Điều này củng cố sự hoài nghi rằng chỉ số cao của tháng Giêng trong danh mục đó là một sự bất thường do thay đổi trọng số.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến có phần phân hoá hơn. Đồng COMEX bất ngờ tăng vọt 3,26% lên 4,06 USD/pound. Đây là mức cao nhất trong vòng hơn 10 tháng qua. Bên cạnh sự hỗ trợ bởi kỳ vọng vĩ mô liên quan tới chu kỳ cắt giảm lãi suất, lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn cũng đã đẩy giá lên cao. Theo hãng tin Reuters, các nhà luyện đồng hàng đầu của Trung Quốc đã đồng ý cắt giảm sản lượng tại một số nhà máy thua lỗ để đối phó với tình trạng thiếu nguyên liệu thô.
Trước đó, một số công ty khai thác đồng hàng đầu thế giới cho thấy sự sụt giảm sản lượng. Điển hình nhất là Codelco, nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới tại Chile đã chứng kiến sản lượng giảm gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 107.000 tấn trong tháng 1. Trước đó, Nhóm Nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG) báo cáo sản lượng đồng ở Chile giảm 1,5% trong năm 2023, chủ yếu do một số mỏ trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các vấn đề vận hành và tình trạng thiếu nước do hạn hán ở khu vực miền Trung.
Trong khi đó, quặng sắt giảm mạnh trở lại sau đà phục hồi phiên trước, với mức giảm hơn 3% trong bối cảnh tiêu thụ thép tại Trung Quốc ảm đạm và nền kinh tế nước này thiếu vắng các biện pháp kích thích mới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)