Tin tức
Lãnh đạo các nước nhận định về thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/4 (giờ địa phương) đã đánh giá cao thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 'lịch sử" của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh gọi là OPEC+, vừa đạt được cùng ngày nhằm ngăn chặn giá dầu tiếp tục giảm mạnh.
Theo tuyên bố của Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm song phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhất trí về "tầm quan trọng to lớn của một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mà OPEC+ đã đạt được."
Cùng ngày, trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Trump cũng bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận trên với nhận định: "OPEC+ đã hoàn thành thỏa thuận dầu mỏ và điều này sẽ cứu vãn hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ.”
Trong khi đó, Canada đã chính thức hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được nói trên của OPEC+.
Trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Seamus O'Regan nhấn mạnh đây là thông tin tích cực và Canana hoan nghênh bất kỳ thông tin nào mang lại sự ổn định cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo quan chức này, Chính phủ Canada đặc biệt quan ngại về tình trạng giá thiếu ổn định và nước này quyết tâm đạt được sự ổn định về kinh tế và giá cả.
Canada là nước sản xuất dầu lớn thứ 4 thế giới, khai thác khoảng 4,9 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 2/2020.
Về phần mình, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Thamer al-Ghadhban cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên sẽ giúp ổn định thị trường, "làm giảm lượng dầu trữ kho và đẩy giá dầu đi lên."
Trước đó, cũng trong ngày 12/4, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày trong thời gian hai tháng 5-6/2020.
Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo gọi đây là mức cắt giảm sản lượng dầu mang tính “lịch sử,” tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên thế giới.
Kết quả này đạt được sau 4 ngày đàm phán căng thẳng, trong đó có cuộc đàm phán với Mexico.
Sau khi OPEC+ nhất trí về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nói trên, Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocio Nahle cho biết Mexico sẽ cắt giảm sản lượng dầu trong nước 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 5/2020.
OPEC+ trước đó đã đề nghị Mexico giảm sản lượng dầu trong nước 400.000 thùng/ngày song việc nước này chưa sẵn sàng điều chỉnh sản lượng “vàng đen” trong nước đã khiến OPEC+ chậm thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, cho biết mức cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể lên tới 12,5 triệu thùng/ngày do sản lượng dầu của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait đã gia tăng kể từ tháng 4/2020.
Saudi Arabia đã sản xuất 12,3 triệu thùng dầu/ngày kể từ đầu tháng 4/2020, cao hơn mức 11 triệu thùng/ngày mà nước này đã đưa ra trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới của OPEC+, có nghĩa mức cắt giảm mà nước này thực hiện trên thực tế sẽ vào khoảng 3,8 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, các mức giảm sản lượng trên thực tế của Kuwait và UAE cũng sẽ cao hơn so với các mức đã nhất trí trong thỏa thuận mới nói trên.
Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei ngày 12/4 cho biết nước này cũng cam kết giảm sản lượng dầu trong nước từ mức 4,1 triệu thùng/ngày hiện nay.