sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Liệu việc giải phóng kho dự trữ chiến lược của Mỹ có thể giải quyết những vấn đề về nguồn cung dầu?

20/10/2022

Quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) không duy trì được đà hồi phục của giá dầu thô quá lâu, bởi những lo ngại về triển vọng tiêu thụ một lần nữa lại đẩy giá dầu xuống mức thấp hơn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/10, giá WTI tăng 2.99% lên 84.52 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2.64% lên 92.41 USD/thùng. Mặc dù vậy, giá cả hai mặt hàng dầu thô đều đã hạ nhiệt khoảng 10% so với mức đỉnh gần nhất.

Đau đầu bài toán bổ sung nguồn cung

Động thái của OPEC + diễn ra đúng vào lúc thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và những rủi ro địa chính trị đến từ xung đột giữa Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, việc các lệnh cấm vận với Nga sắp có hiệu lực cũng khiến cho sự bất ổn của nguồn cung dầu toàn cầu không ngừng gia tăng.

Xét tới năng lực lấp đầy khoảng trống mà OPEC và Nga để lại, Mỹ hiện là quốc gia tiềm năng nhất với kho dự trữ dồi dào hàng đầu thế giới. Mỹ và các thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bao gồm Anh, Đức, Nhật Bản và Úc, được yêu cầu duy trì lượng dự trữ khẩn cấp tương đương với 90 ngày nhập khẩu dầu ròng.

Hiện nay, quá trình nguồn cung bổ sung phụ thuộc vào lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược (SPR) của Mỹ có nhiều khác biệt so với các đợt tăng giá trước trong lịch sử. Thông thường, giá dầu tăng đột biến sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư và khai thác để gia tăng nguồn cung từ các nhà sản xuất ngoài OPEC.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, vốn phản ứng nhanh nhất với sự thay đổi của thị trường, đang phải vật lộn với những khó khăn về chuỗi cung ứng và lạm phát chi phí nên rất khó có thể gia tăng sản lượng.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô trong kho dự trữ SPR đã giảm 3,6 triệu thùng về mức 405,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 14/10.

Hiện việc hạ nhiệt giá dầu vẫn là mục tiêu tiên quyết của các nhà chức trách. Bên cạnh mục tiêu kiềm chế lạm phát, việc thành công kiểm soát giá dầu sẽ giúp cho chính quyền Tổng thống Joe Biden dành được sự tín nhiệm cao hơn, nhất là khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút.

Trong bối cảnh đó, mới đây, Tổng thống Joe Biden đã công bố công bố kế hoạch bán thêm 15 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược quốc gia. Kế hoạch này nhằm mục đích bổ sung đủ nguồn cung để ngăn chặn giá dầu tăng đột biến có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo rằng Chính phủ sẽ tham gia thị trường với tư cách là người mua nếu giá giảm xuống quá thấp.

Ông Biden, đối mặt với những lời chỉ trích từ các đảng viên Cộng hòa, cho biết sẽ tìm cách bổ sung dầu vào kho dự trữ SPR trong những năm tới. Chính quyền có kế hoạch mua dầu WTI khi mức giá dao động trong khoảng từ 67 – 72 USD/thùng.

Các công ty lọc dầu lớn của Mỹ như Valero, Marathon Petroleum và Exxon Mobil hiện là những đối tác lớn nhất trong các đợt bán dầu từ kho dự trữ chiến lược của M. Ngoài việc phân phối cho tiêu dùng trong nước, các công ty này cũng tiến hành xuất khẩu dầu thô cho các nước khác, bao gồm cả khu vực Châu Âu.

Chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang cân nhắc các giới hạn về xuất khẩu nhiên liệu để duy trì nguồn cung xăng và dầu diesel ổn định trong nước. Giá bán xăng trung bình ở Mỹ đang là 3,854 USD/gallon (3,79 lít) giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn cao hơn so với một tháng trước.

Hiện người tiêu dùng vẫn đang ở trạng thái bất lợi hơn, khi mà giá xăng bán buôn giảm nhanh hơn so với giá xăng bán lẻ, và mức chênh lệch giữa hai mức giá này đang có xu hướng tăng trở lại.

Các công ty kinh doanh xăng dầu ở Mỹ đang được hưởng lợi khi giá dầu tăng mạnh từ đầu năm tới nay. Tổng thống Biden mới đây đã chỉ trích các nhà sản xuất dầu của Mỹ và khuyến cáo không nên trả lại lợi nhuận kỷ lục cho các cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu và tăng cổ tức. Thay vào đó, khoản tiền thu được nên được các công ty dầu mỏ sử dụng để thúc đẩy sản xuất, giúp giảm giá nhiên liệu cho người tiêu dùng.

Mỹ đang tìm mọi cách để hạ nhiệt giá dầu, tuy nhiên nhiều khả năng nỗ lực của Nhà Trắng là chưa đủ khi mà tiêu thụ trong tuần kết thúc ngày 14/10 của Mỹ tăng lên 20,76 triệu thùng/ngày, cao hơn cả mức 19,27 triệu thùng trước đó và đáng chú ý hơn cả là cao hơn cả mức trung bình 4 tuần gần nhất là 20,41 triệu thùng.

Tiêu thụ của Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt sẽ khiến cho giá dầu chưa thể hạ nhiệt xuống các vùng giá thấp hơn. Các nhà chức trách cũng khó có thể duy trì việc bán dầu bởi lượng  dự trữ cũng có giới hạn, và việc giá dầu neo ở mức cao đang khiến cho quá trình bổ sung dầu gặp nhiều thách thức và sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Vì thế, ngoài việc tìm cách gia tăng nguồn cung, để hạ nhiệt giá dầu thô nói riêng và giá năng lượng nói chung, nhu cầu tiêu thụ có thể sẽ cần phải giảm bớt để cán cân cung cầu không    Điều này sẽ khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải mạnh tay tăng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới. Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ khiến cho nền kinh tế Mỹ phải trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài trong nhiều quý tới khi mức lạm phát bình quân hạ nhiệt về mức 2%.

Tiên Phạm