Tin tức
MXV-Index ‘đánh mất’ chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, lực bán chiếm ưu thế trong ngày giao dịch hôm qua đã chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp của chỉ số MXV-Index. Đóng cửa, chỉ số này giảm không nhẹ xuống mức 2.308 điểm. Đáng chú ý, sắc đỏ tràn ngập trên thị trường năng lượng và kim loại. Trong đó, giá dầu thô đang dần xa khỏi mốc 80 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá kim loại quý cũng đồng loạt suy yếu trong bối cảnh thị trường thận trọng hơn để đánh giá tác động của các chính sách năng lượng và thuế quan của ông Trump đề xuất lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá dầu nối đà giảm sang phiên thứ 4 liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc đỏ chiếm áp đảo trên thị trường năng lượng. Trong đó, giá dầu nối dài đà suy giảm sang phiên thứ tư liên tiếp.
Kết phiên, giá dầu Brent giảm 0,9% xuống 78,29 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 1,09% xuống 74,62 USD/thùng ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ).
Tại diễn đàn ngày hôm qua, ông Trump đã yêu cầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ thế giới (OPEC), đứng đầu là Saudi Arabia phải hạ giá dầu xuống và chịu trách nhiệm về cuộc chiến tại Ukraine vì để giá dầu tăng. Đồng thời, Tổng thống Mỹ cũng nói thêm rằng khi giá dầu giảm, ông sẽ yêu cầu "hạ lãi suất ngay lập tức", thậm chí, lãi suất có thể phản ứng hạ nhiệt trên toàn thế giới. Ngay sau tuyên bố của ông, giá dầu thế giới tiếp đà giảm.
Tuy nhiên, việc ông Trump đe dọa gia tăng trừng phạt lên Nga nếu như nước này không đạt thành thỏa thuận chấm dứt chiến sự tại Ukraine đã gây nên sự bất an về nguy cơ thu hẹp hơn nữa dòng chảy dầu từ Nga, một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Sự kiện này đã giúp kìm hãm đà giảm của giá dầu trong phiên hôm qua.
Bên cạnh đó, đà giảm giá của dầu đã được thu hẹp bớt nhờ số liệu tồn kho dầu khả quan tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/1. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần trước giảm 768.000 thùng, trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất được rút bớt tới 3,1 triệu thùng. Cơn bão mùa đông khắc nghiệt hoành hành tại Bờ Vịnh đã thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm, từ đây giải thích cho việc Mỹ xuất kho lượng lớn nhiên liệu chưng cất trong tuần vừa rồi.
Tín hiệu nguồn cung trái chiều khiến giá đồng và giá nhôm phân hóa
Theo MXV, lực bán cũng áp đảo trên thị trường kim loại, 7 trên 10 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc đánh mất gần 2% giá trị xuống mức 30,84 USD/ounce. Giá bạch kim cũng quay đầu giảm gần 0,1% về 970,4 USD/ounce, chấm dứt chuỗi ba phiên tăng liên tiếp trước đó. Giá kim loại quý đã gặp sức ép trong phiên hôm qua trước sự không chắc chắn về quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp 28 - 29/1 tới đây.
Sau hai năm đạt được tiến triển về lạm phát và tăng trưởng kinh tế một cách đáng ngạc nhiên, tuần tới FED sẽ họp và đưa ra những đánh giá về các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump và theo sau là thị trường trái phiếu. Những sự không chắc chắn này đều đặt ra những thách thức tiềm tàng trong một nền kinh tế với lạm phát đang dần tiến gần đến mục tiêu 2% của FED, tuy nhiên đã tránh được suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.
Theo đó, phần lớn thị trường tài chính đều đang đặt cược FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới sau khi đã giảm tất cả 1 điểm phần trăm kể từ tháng 9 năm ngoái. Công cụ theo dõi lãi suất của CME Group cho thấy xác suất FED không hạ lãi suất trong tuần tới đã ở mức 99,5%. Việc FED giữ lãi suất cao hơn so với kỳ vọng trước đây có thể khiến giá kim loại quý gặp áp lực, đặc biệt là khi xung đột địa chính trị đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi trở lại sau ba phiên giảm liên tiếp bởi rủi ro thiếu hụt nguồn cung. Đóng cửa, giá mặt hàng này tăng 0,64% lên mức 4,32 USD/pound (tương đương 9.542,7 USD/tấn).
Cụ thể, trong báo cáo cung - cầu tháng 1 do Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) công bố, tiêu thụ đồng tinh chế toàn cầu đạt gần 2,5 triệu tấn vào tháng 11 năm ngoái, tăng 5,4% so với tháng 10. Trong khi đó, nguồn cung đồng tinh chế thế giới chỉ ở mức 2,33 triệu tấn, điều này đã khiến thị trường đồng tinh chế toàn cầu thiếu hụt 131.000 tấn trong tháng 11 năm ngoái, nhiều hơn so với mức thâm hụt 30.000 tấn ghi nhận trong tháng 10. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp thị trường đồng phải đối diện với nguy cơ thâm hụt, phản ánh những tín hiệu tích cực về nhu cầu tiêu thụ trong khi nguồn cung sụt giảm.
Ở chiều ngược lại, giá nhôm LME giảm 0,4% xuống mức 2.623 USD/tấn trước rủi ro giá giảm khi giá nguyên liệu thô giảm mạnh tại châu Á. Cụ thể, theo dự báo từ S&P Global Commodity Insights, công suất sản xuất alumina, nguyên liệu thô đầu vào để sản xuất nhôm, dự kiến sẽ tăng mạnh trên khắp châu Á trong quý I năm nay. Điều này sẽ giúp xoa dịu lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung nguyên liệu thô kể từ quý IV năm ngoái, thời điểm giá alumina trên toàn cầu tăng vọt do sự gián đoạn nguồn cung từ Guinea và Brazil. Theo đó, việc nguồn cung tăng trở lại có thể khiến giá nguyên liệu thô này suy yếu mạnh, đồng thời kéo theo sự suy yếu của giá nhôm trong quý I năm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)