Tin tức
Năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa ngày hôm qua
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (29/1), giá nhiều mặt hàng nguyên liệu quay đầu đi xuống. Trong đó, với 4 trên 5 mặt hàng giảm giá mạnh, nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng thị trường trong ngày hôm qua. Chốt ngày, chỉ số MXV-Index hạ 0,67% xuống 2.141 điểm, kết thúc chuỗi 5 ngày tăng liên tiếp. Tuy nhiên, nhờ ưu điểm giao dịch hai chiều nên giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng mạnh hơn 10%, ở mức trên 5.400 tỷ đồng.
Giá dầu giảm từ đỉnh hai tháng
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 29/1, giá dầu hạ nhiệt sau khi đạt mức cao nhất trong vòng hai tháng. Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế có thể ảnh hưởng lên tiêu thụ nhiên liệu trong tương lai của quốc gia này. Trong khi đó, nguồn cung tạm thời chưa bị gián đoạn lớn bất chấp căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
Chốt phiên, giá dầu giảm 1,58% xuống 76,78 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,35% xuống 81,83 USD/thùng.
Một tòa án ở Hồng Kông hôm thứ Hai đã ra lệnh thanh lý tập đoàn bất động sản khổng lồ China Evergrande Group, giáng một đòn mới vào niềm tin thị trường bất động sản mong manh của đất nước này. Lĩnh vực bất động sản vốn đóng góp gần 20% cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc, nên kỳ vọng về đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng hạn hẹp hơn. Giá dầu đã gặp áp lực trước thông tin trên, do Trung Quốc vốn là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với khoảng 24% thị phần.
Ngoài ra, dữ liệu theo dõi tàu của Kpler cho thấy mức độ cắt giảm sản lượng tự nguyện của các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang tương đối chậm. Điều này làm dấy lên lo ngại về mức độ tuân thủ cam kết và nguồn cung trên thực tế.
Kpler ước tính, xuất khẩu từ 7 thành viên hàng đầu OPEC+ tham gia cắt giảm mới đạt trung bình khoảng 15,4 triệu thùng/ngày trong tháng này, hầu như không thay đổi so với tháng 12. Trong đó lượng xuất khẩu của cả nhóm ổn định ở mức khoảng 28,1 triệu thùng/ngày.
Kuwait và Oman đã cắt giảm xuất khẩu đáng kể trong tháng 1, tuy nhiên Nga, Kazakhstan và Iraq chỉ cắt giảm ở mức khiêm tốn.
Thêm vào yếu tố gây áp lực cho giá vào cuối ngày, xung đột Hamas – Israel đang có một số tín hiệu ban đầu nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Theo báo cáo từ đài truyền hình Channel 12 của Israel, Israel đã đồng ý ngừng bắn 45 ngày để đổi lấy việc thả 35 người Israel bị giam giữ. Tuy nhiên, phía Hamas vẫn chưa có sự phản hồi.
Giá ngô chạm mức thấp nhất trong hơn ba năm
Khép lại phiên giao dịch ngày 29/1, giá ngô nối dài đà suy yếu trong phiên thứ hai liên tiếp, chạm mốc thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Lo ngại về triển vọng mùa vụ ở Nam Mỹ được xoa dịu vẫn là lý do chính thúc đẩy lực bán trong phiên vừa rồi. Kết phiên, giá ngô hợp đồng tháng 3 giảm mạnh 1,34%.
Tại Argentina, nhờ thời tiết thuận lợi trong hai tháng qua nên vụ ngô tiến triển tương đối ổn định. Trong khi đó, mưa rào lan rộng trong ba tuần đầu tiên của tháng 1 tại Brazil đã giảm thiểu rủi ro do hạn hán trước đó gây ra. Theo dữ liệu của Safras & Mercado, tiến độ thu hoạch vụ ngô thứ 1 của nước này đang được đẩy mạnh nhanh chóng, với 15,3% diện tích đã hoàn thành, so với mức 12% cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 10,2%. Đối với ngô thứ 2, nông dân Brazil đã gieo trồng 11% diện tích dự kiến, nhanh hơn mức 5% cùng kỳ năm ngoái nhờ tuần trước mưa đã cải thiện độ ẩm đất ở một số bang sản xuất chính.
Đối với tình hình tại Mỹ, báo cáo Export Inspections cho biết khối lượng giao hàng ngô niên vụ 23/24 trong tuần 19 - 25/1 đạt trên 901.900 tấn, so với mức hơn 746.900 tấn của tuần trước đó. Mặc dù có sự cải thiện, nhưng con số này vẫn thấp hơn mức 1 triệu tấn. Hoạt động xuất khẩu của Mỹ thời gian gần đây không nhiều kết quả chú ý nên báo cáo tối qua chỉ có hỗ trợ nhẹ đến giá ngô CBOT.
Tương tự như ngô, lúa mì cũng tiếp tục giảm mạnh trong phiên đầu tuần, khi kết phiên lao dốc hơn 1%. Nhu cầu suy yếu với nguồn cung tại Mỹ cũng gây sức ép chính đến thị trường lúa mì trong phiên vừa rồi.
Cụ thể, báo cáo tối qua thấy, Mỹ chỉ giao 264.666 tấn lúa mì trong tuần kết thúc vào ngày 25/1, giảm đáng kể so với mức gần 315.190 tấn của tuần trước đó và thấp hơn mức 446.118 tấn cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng nằm dưới khoảng dự đoán là 350.000 - 550.000 tấn và gây thất vọng cho thị trường.
Bên cạnh đó, nguồn cung dư thừa ở khu vực Biển Đen khiến giá lúa mì xuất khẩu của Nga tiếp tục giảm vào tuần trước, góp phần tạo áp lực đến giá CBOT trong phiên vừa rồi.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày hôm qua (29/1), giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta điều chỉnh giảm nhẹ. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao tháng 3 ở mức 6.500 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá chào bán dao động ở mức 6.400 - 6.450 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)