Tin tức
Sức ép từ các yếu tố vĩ mô có thể đẩy giá dầu tiếp tục giảm sâu hơn
Giá dầu tiếp tục giảm trong sáng nay trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ dầu ngày càng trở nên kém khả quan.
Sức ép bán tiếp tục gia tăng khi các nhà đầu tư lo ngại rằng sẽ có một đợt tăng lãi suất mạnh tay tới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này, sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lần đầu tiên trong 11 năm. Khảo sát của CME cho thấy Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất thêm 0.75% trong kỳ họp vào ngày 27-28 tuần này. Bên cạnh đó, tuần này nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát số liệu GDP quý II của Mỹ. Nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng âm trong quý II, cộng với việc Fed mạnh tay tăng lãi suất, đây sẽ là yếu tố rất tiêu cực đối với giá dầu.
Về phía nguồn cung, hiện các lệnh cấm vận của EU đối với Nga đang thúc đẩy dòng chảy dầu từ các nước Trung Đông như Arab Saudi và Iraq để bù đắp sự thiếu hụt. Ngoài 800,000 thùng/ngày vận chuyển bằng đường ống, có khoảng 1.2 triệu thùng mỗi ngày đã được vận chuyển đến kênh đào từ Vịnh Ba Tư trong ba tuần đầu tháng 7, phần lớn đến từ Iraq. Điều đó khiến cho tổng khối lượng dầu xuất khẩu từ Trung Đông sang châu Âu lên tới 2.2 triệu thùng/ngày, tăng gần 90% kể từ tháng 1, tháng cuối cùng trước khi xung đột giữa Nga-Ukraine nổ ra bắt đầu.
Nhiều nhà phân tích kỳ vọng việc nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ gia tăng bất chấp các chính sách thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, giá dầu vốn rất nhạy cảm với các tin tức vĩ mô, nên trong tuần này, chất xúc tác lớn trên thị trường vẫn là tin tức từ cuộc họp lãi suất của Fed.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)