sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Thị trường hàng hóa thế giới trầm lắng trong ngày Mỹ nghỉ giao dịch

18/02/2025

 Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trầm lắng trong ngày Mỹ nghỉ lễ President’s day. Trên thị trường năng lượng, các cuộc tấn công vào đường ống dẫn dầu của Nga đã đẩy giá dầu tăng nhẹ trong phiên hôm qua. Trong khi đó, nhóm kim loại diễn biến tương đối giằng co do những lo ngại về những chính sách thuế mới của Mỹ và triển vọng kinh tế kém lạc quan tại Trung Quốc. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng không đáng kể và dừng ở mức 2.350 điểm.

Giá dầu biến động nhẹ do lo ngại về nguồn cung

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (17/2), giá dầu đã tăng nhẹ sau khi xảy ra một vụ tấn công vào một trạm bơm trên đường ống dẫn dầu ở Biển Caspi, tiềm ẩn nguy cơ làm chậm dòng chảy dầu từ Kazakhstan ra thế giới.

Hôm qua, thị trường dầu đóng cửa sớm. Tính đến 2h30 ngày 18/2, giá dầu WTI ở mức 71,38 USD/thùng, tăng 0,9%. Trong khi đó giá dầu thô Brent tăng 0,6% lên mức 75,22 USD/thùng. 

Liên đoàn đường ống Caspian cho biết đã có một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào trạm bơm đường ống Kropotkinskaya ở vùng Krasnodar phía nam của Nga, làm giảm lượng dầu chảy từ Kazakhstan đến các thị trường thế giới. Mặc dù cuộc tấn công ảnh hưởng nặng đến hoạt động xuất khẩu của Nga nhưng các nhà đầu tư lo ngại tình trạng xung đột leo thang có thể khiến các cuộc tấn công gia tăng, gây đứt gãy nguồn cung dầu ra thế giới qua khu vực Biển Caspi.

Cuộc tấn công diễn ra khi Mỹ và Nga đang xúc tiến một cuộc gặp gỡ tại Arab Saudi để bàn về việc chấm dứt chiến tranh tại Ukraine. Nếu cuộc chiến này chấm dứt, các lệnh trừng phạt của Nga sẽ được dỡ bỏ, giá dầu thô Brent có thể giảm từ 5 - 10 USD/thùng.

Trên thực tế, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nhà xuất khẩu dầu của Nga đã tìm ra những cách mới để lách lệnh trừng phạt của Mỹ và EU và tiếp tục vận chuyển dầu ra nước ngoài. Không chỉ vậy, IEA còn ước tính sản lượng dầu của Nga trong tháng 1 cao hơn 100.000 thùng/ngày, đạt tổng cộng 9,2 triệu thùng/ngày. IEA đã phải điều chỉnh ước tính sản lượng dầu của Nga nhiều lần. Nguồn cung không chính thức này đã giúp giá dầu ổn định trở lại trong thời gian qua.

Một thông tin khác làm giảm đà tăng của dầu là là chỉ số USD dao động gần mức thấp nhất trong 2 tháng, khi doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 giảm mạnh nhất trong gần 2 năm, giảm tới 0,9%. Hồi tháng 12/2024, doanh số bán lẻ tăng 0,7%. Doanh số bán lẻ cốt lõi trong tháng 1 giảm 0,8%.

Hạn chế đà tăng của giá dầu là viễn cảnh về một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể diễn ra sau khi Trump ra lệnh cho các quan chức thương mại và kinh tế vào tuần trước nghiên cứu mức thuế quan tương hỗ đối với các quốc gia áp dụng thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ.

Ngoài ra, thông tin từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, cho biết nhóm này sẽ tiếp tục tăng nguồn cung dầu hàng tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 4. Điều này sẽ khiến tình trạng dư cung trên thị trường có thể trở nên trầm trọng hơn.

Thị trường kim loại diễn biến phân hóa

Trong ngày giao dịch đầu tuần, thị trường chứng kiến diễn biến phân hóa ở nhóm kim loại. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lo ngại về những chính sách thuế mới của Mỹ và triển vọng kinh tế kém lạc quan tại Trung Quốc.  

Trong phiên giao dịch ngày 17/2, giá bạc đóng cửa sớm ở mức 32,88 USD/ounce, nhích thêm 0,06%, tăng 9% so với cùng thời điểm tháng 1. Trong khi đó, giá bạch kim ở mức 1.007 USD/ounce, đánh mất khoảng 1,17%.  

Những lo ngại về bất ổn thương mại toàn cầu tiếp tục hỗ trợ giá bạc duy trì đà tăng. Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo về kế hoạch áp thuế nhập khẩu ô tô từ ngày 2/4, qua đó làm gia tăng căng thẳng thương mại với các đối tác lớn, bao gồm cả Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Đức. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 471 tỷ USD sản phẩm ô tô trong đó Mexico chiếm phần lớn với 49 tỷ USD. Hiện tại Mexico, Canada và Hàn Quốc được miễn thuế với điều kiện đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do đã ký với Mỹ.

Bên cạnh đó, kể từ cuối tháng 11, tồn kho bạc tại Sàn giao dịch Hàng hóa Chicago (CME) đã tăng 22%, phản ánh nhu cầu tích trữ bạc tại Mỹ trong tình hình căng thẳng gia tăng. Tuy nhiên, giá kim loại quý cũng phải đối mặt với sức ép từ dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) do tổ chức này sẽ không tiến hành cắt giảm lãi suất trong tháng 3 tới. Việc này do thị trường lao động đang ổn định và lạm phát duy trì ở mức cao. Mức lãi suất cao đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, thu hút dòng vốn đổ về USD, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.

Về phía nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX đóng cửa sớm giảm khoảng 1,6% về mức 10.119 USD/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt chốt phiên cũng giảm nhẹ 0,31% xuống còn 106,46 USD/tấn. 

Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy các ngân hàng Trung Quốc đã giải ngân 5.130 tỷ nhân dân tệ (khoảng 706,40 tỷ USD) các khoản vay mới trong tháng 1/2025, tăng gấp 4 lần so với tháng trước và vượt xa dự báo 4.500 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, tổng dư nợ cho vay trong năm 2024 chỉ đạt 18.090 tỷ nhân dân tệ, giảm mạnh so với mức 22.750 tỷ nhân dân tệ của năm 2023. Con số này phản ánh tâm lý thận trọng của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Thêm vào đó, do hợp đồng đồng LME tháng 2 đáo hạn trong tuần này, giá đồng đã tăng mạnh vào cuối tuần do hoạt động tất toán hoặc chuyển vị thế sang tháng kế tiếp. Tuy nhiên, sau khi quá trình này hoàn tất, lực mua suy yếu và áp lực bán gia tăng, vì vậy tâm lý bán ra trên thị trường chung đã gây sức ép lên giá đồng COMEX tháng 3. 

Đối với mặt hàng quặng sắt, giá giao dịch giảm sau khi các cảng xuất khẩu lớn tại Australia nối lại hoạt động sau cơn bão nhiệt đới Zelia, giúp xua tan lo ngại về nguồn cung. Thêm vào đó, quyết định áp thuế 15% của Trung Quốc đối với than nhập khẩu từ Mỹ đã đẩy chi phí sản xuất thép tăng cao, có thể dẫn đến việc các nhà máy cắt giảm sản lượng và nhu cầu tiêu thụ quặng sắt suy giảm.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)