Tin tức
Thị trường năng lượng ‘đỏ lửa’ kéo lùi chỉ số MXV-Index
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán tiếp tục chiếm áp đảo trong ngày giao dịch hôm qua (3/9). Trên thị trường năng lượng, 4 trên 5 mặt hàng đồng loạt giảm giá mạnh từ 2-5,5%. Ngoài ra, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp. Nông sản là nhóm duy nhất có diễn biến giá khởi sắc trong bối cảnh thời tiết xấu tại Nam Mỹ ảnh hưởng mạnh đến sản lượng thu hoạch và nhu cầu đậu tương Mỹ gia tăng trở lại. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 1,38% xuống 2.099 điểm.
Giá dầu thế giới giảm mạnh
Thị trường năng lượng chìm trong sắc đỏ trong ngày giao dịch hôm qua. Ngoại trừ mặt hàng khí tự nhiên giá tăng 3,57% lên 2,2 USD/MMBtu, các mặt hàng còn lại đều lao dốc. Trong đó, đóng cửa, giá dầu WTI ở mức 70,34 USD/thùng, giảm 4,36%. Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 73,75 USD/thùng, giảm gần 4,9%.
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng do có dấu hiệu đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Libya bị đình trệ. Cụ thể, các cơ quan lập pháp của Libya đã đồng ý bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương mới trong vòng 30 ngày sau các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ.
Đóng cửa tuần giao dịch trước (26/8-1/9), giá dầu WTI đã giảm 1,71%, trong khi giá dầu Brent hạ 2,56%. Giá dầu quay đầu suy yếu trở lại trong tuần cuối tháng 8 sau khi nguồn tin của Reuters cho biết OPEC có thể sẽ dỡ bỏ dần chính sách cắt giảm sản lượng kể từ tháng 10, bên cạnh việc kỳ vọng hoạt động sản xuất của Libya dần được khôi phục.
Theo Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) có thể sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng vào tháng 10. Nếu OPEC+ quyết định bắt đầu quá trình tăng sản lượng vào tháng 10, nguồn cung bổ sung từ nhóm có thể sẽ được bù đắp phần lớn tổn thất sản lượng dầu bị gián đoạn của thành viên nhóm, Libya trong thời gian qua.
Thêm vào đó, các mỏ dầu Sarir, Messla và Nafoura của Libya trong cuối tuần trước cho biết họ đã nhận được chỉ thị để khôi phục lại hoạt động sản xuất, sau khi bế tắc giữa các phe phái chính trị đối thủ đã đóng cửa hầu hết các mỏ dầu của nước này. Trước đó, Libya đã đánh mất khoảng 700.000 thùng dầu mỗi ngày vì lý do kể trên. Kỳ vọng nguồn cung dần được khôi phục trở lại qua đó đã khiến giá dầu chịu sức ép.
Thị trường nông sản khởi sắc sau kỳ nghỉ lễ của Mỹ
Khép lại phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, nhiều mặt hàng nông sản đồng loạt tăng giá từ 1-2,5%. Trong đó, giá đậu tương đã tăng hơn 1%, lên mức cao nhất trong gần 4 tuần qua. Thị trường được hỗ trợ do triển vọng nhu cầu đối với đậu tương Mỹ khởi sắc trở lại.
Trong báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections), Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA cho biết giao hàng đậu tương trong tuần kết thúc vào ngày 29/8 đạt mức 496.000 tấn, tăng so với mức 419.000 tấn trong tuần trước đó. Ngoài ra, trong báo cáo Daily Export Sales, Mỹ cũng đã bán được đơn hàng mới 132.000 tấn đậu tương giao trong niên vụ 2024-2025 cho Trung Quốc. Số liệu giao hàng tích cực cùng nhu cầu tốt cho thấy hoạt động xuất khẩu của Mỹ đã khởi sắc trở lại. Đây là yếu tố đã giúp giá được hỗ trợ vào hôm qua.
Theo đánh giá của Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (Imea), sản lượng đậu tương niên vụ 2024-2025 tại Mato Grosso, bang sản xuất lớn nhất của Brazil, ước tính sẽ đạt 44,04 triệu tấn. Mặc dù không có điều chỉnh so với báo cáo trước, tuy nhiên, Imea đã đưa ra cảnh báo về tình trạng khô hạn dự kiến trong tháng 9, tháng đánh dấu sự khởi đầu của hoạt đồng trồng đậu tương. Các mô hình dự báo cho thấy lượng mưa trong tháng 9 dự kiến sẽ thấp hơn mức trung bình lịch sử trên toàn bang Mato Grosso. Điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng đậu tương, nếu mưa không trở lại bình thường, và cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất các khu vực gieo trồng sớm, do độ ẩm đất có thể thấp hơn dự kiến.
Giá lúa mì ghi nhận mức tăng hơn 3% và là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp mà giá được hỗ trợ do lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Tại Brazil, quá trình thu hoạch lúa mì đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn ở Paraná - bang sản xuất lúa mì lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng lúa mì thu hoạch được đều ghi nhận thấp hơn so với kỳ vọng của người nông dân do bị ảnh hưởng nặng nề bởi sương giá gần thời điểm thu hoạch.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Tin tức
Tin nổi bật
Tin tức liên quan
18/09/2024