sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 01/03/2023: Giá nông sản suy yếu phiên thứ 5 liên tiếp, dầu thô tăng trở lại

01/03/2023

Lực mua có phần chiếm ưu thế trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 02, đã hỗ trợ chỉ số hàng hoá MXV- Index đóng cửa hôm qua tiếp tục tăng nhẹ 0,11% lên 2.336 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở gia tăng hơn 5%, đạt gần 3.200 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư tiếp tục tập trung nhiều nhất tại thị trường nông sản và năng lượng. Đây cũng là 2 nhóm mặt hàng được ghi nhận những biến động mạnh trong ngày hôm qua.

Thêm một phiên mà sức ép bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường nông sản. Chốt ngày hôm qua, cả ngô, lúa mì và đậu tương trên Sở Chicago đồng loạt nối dài đà giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp. Khô đậu tương dẫn dắt xu hướng với mức giảm hơn 3%. Cùng với đó, giá ngô đóng cửa giảm trên 2%, xuống mức 248 USD/tấn, thấp nhất trong vòng nửa năm trở lại đây. Triển vọng nguồn cung được nới lỏng khi mùa vụ tại các quốc gia cung ứng chính đều cho thấy các tín hiệu tích cực đã liên tục gây sức ép lớn đến giá nông sản thế giới.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, giá dầu thô bất ngờ đảo chiều lấy lại đà hồi phục. Cụ thể, hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 04 trên Sở NYMEX tăng mạnh hơn 1,8% lên trên 77 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 05 trên Sở ICE cũng đã tăng gần 1,3%, đóng cửa ở hơn 83 USD/thùng.

Tuy nhiên, cho tới nay, dầu thô đã ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp khi những lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất đã làm giảm tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới và liên tục gây sức ép đến giá.

Còn trong ngày hôm qua, giá dầu đã nhận được sự hỗ trợ ngay từ đầu phiên, một phần do rủi ro nguồn cung từ Nga có thể sẽ giảm hơn 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 3, trong khi nhu cầu được kỳ vọng sớm phục hồi, đặc biệt là tại khu vực châu Á.

Cụ thể, theo Reuters, quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới Ả Rập Xê Út dự kiến sẽ nâng giá bán dầu thô chính thức (OSP) cho các hợp đồng tương lai tháng Tư đối với thị trường châu Á. Mức tăng thêm sẽ ở khoảng 40 Cent đối với dầu Arab Light. Điều này cho thấy kỳ vọng tích cực hơn của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đối với nhu cầu tại khu vực này, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cũng theo Reuters, xuất khẩu dầu thô của Ural sang Trung Quốc từ các cảng phía Tây của Nga đã tăng trong tháng 2, do chi phí vận chuyển thấp hơn và nhu cầu tăng. Một cuộc thăm dò cho thấy giá dầu dự kiến ​​sẽ tăng trên 90 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023.

Dữ liệu mới đây nhất cho thấy Ấn Độ cũng đã nhập khẩu khoảng 1,85 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga vào tháng 2, gần với mức kỷ lục 2 triệu thùng/ngày trước đó.

Tuy nhiên, theo MXV, nguồn cung vẫn đang dồi dào tương đối so với nhu cầu, vẫn sẽ hạn chế sức mua. Theo cuộc khảo sát, sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 2 do nguồn cung của Nigeria phục hồi với mức tăng 100.000 thùng/ngày, đưa sản lượng của nhóm đạt khoảng 28,97 triệu thùng/ngày, tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng 1.

Rạng sáng nay, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng mạnh 6,2 triệu thùng trong tuần vừa qua, cao hơn dự báo chỉ tăng 500.000 thùng, và cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Các thông tin về nguồn cung có thể là yếu tố gây sức ép cho giá dầu trong phiên mở cửa sáng nay, trước khi thị trường tiếp nhận dữ liệu sản xuất từ Trung Quốc.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)