sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 03/10/2022: Lúa mì tăng mạnh, giá dầu kết thúc chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp

03/10/2022

Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, lực mua đưa sắc xanh trở lại trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Mặc dù sức ép bán không còn hoàn toàn bao trùm thị trường, tuy nhiên, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tiếp tục giảm nhẹ 0,62% xuống 2.421 điểm, về với vùng đầu năm nay. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 4.300 tỷ đồng mỗi phiên.

Thị trường nông sản chứng kiến diễn biến trái chiều. Trong khi lúa mì tăng mạnh trên 4%, các mặt hàng nhóm đậu tương đồng loạt sụt giảm sâu, giá ngô lại ghi nhận mức biến động nhẹ so với mức giá tham chiếu tuần trước. Như vậy đậu tương đã xuống vùng giá thấp nhất 2 tháng, khô đậu tương thì đã có tới 7 phiên giảm giá liên tiếp.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, ước tính năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 2021/22 được nâng lên mức 51,7 giạ/mẫu. Sản lượng cao hơn dự kiến dẫn tới việc tồn kho đậu tương Mỹ tính cuối niên vụ 21/22 đạt mức 274 triệu giạ. Con số này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của thị trường khi cho rằng tồn kho sẽ sụt giảm và từ đó gây áp lực lên giá các mặt hàng đậu tương.

Ngược lại, cũng theo USDA ước tính sản lượng lúa mì năm nay của Mỹ là 1,65 tỷ giạ, thấp hơn mức 1,783 tỷ giạ trong báo cáo Cung cầu tháng 09 và nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường. Điều đó khiến nguồn cung lúa mì từ Mỹ bị thu hẹp đáng kể và đã hỗ trợ đà tăng của giá.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu chấm dứt chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp với mức tăng nhẹ trong tuần vừa qua. Cụ thể, giá WTI tăng 0,95% lên 79,49 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0,13% lên 85,14 USD/thùng.

Lo ngại về suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục là nguyên nhân chính kiềm chế đà tăng của giá dầu, khi lạm phát của khu vực châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cập nhật mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 9 của EU tiếp tục tăng vọt từ 9,1% lên mức 10% trong tháng 9, cao nhất trong lịch sử của khu vực này trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc.

Yếu tố mạnh nhất có thể hỗ trợ cho giá dầu đến từ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+ đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng. Theo thông tin mới nhất, OPEC+ có thể cắt giảm trên mức 1 triệu thùng/ngày, đặc biệt Ả Rập xê Út có thể cân nhắc tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu. Nếu được thông qua, đây sẽ là mức cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ tháng 5/2020, khi OPEC+ quyết định hành động để hỗ trợ giá dầu trong giai đoạn Covid-19. Trong khi đó, sẽ khó để các quốc gia khác tăng sản lượng bù vào. Ví dụ như Mỹ trong tuần vừa rồi số giàn khoan dầu chỉ tăng 2 chiếc lên 604, theo dữ liệu của công ty dịch vụ Baker Hughes.

Theo MXV, các thông tin xoay quanh cuộc họp của OPEC+ sẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định hướng đi của giá dầu trong tuần này, đặc biệt khi cuộc họp sẽ được tổ chức với sự tham gia trực tiếp của các thành viên lần đầu tiên kể từ tháng 03/2020, thay vì các cuộc họp trực tuyến. Cùng với đó, các yếu tố căn bản đang quay lại trọng tâm của thị trường, trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin từ Trung Quốc, khi nước này tiến vào kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)