Tin tức
Bản tin TCKD ngày 04/05/2022: Nông sản thế giới đồng loạt giảm, giá nhập khẩu nội địa vẫn neo cao
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua 03/05, lực bán hoàn toàn áp đảo khiến bảng giá hàng hoá nguyên liệu chìm trong sắc đỏ, chỉ số MXV- Index giảm hơn 1% xuống 2.983 điểm và là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của chỉ số này. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt hơn 6.200 tỷ đồng, khi dòng tiền đang tập trung vào nhóm Năng lượng và Nông sản, chiếm đến hơn 80% tổng giá trị giao dịch toàn Sở.
Trên thị trường Năng lượng, giá Khí tự nhiên có phiên tăng thứ 3 liên tiếp và là phiên tăng thứ 6 trên 7 phiên giao dịch gần nhất, với mức tăng vọt 6,4% lên 7,95 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh. So với đầu tháng 04, mặt hàng này đã tăng giá gần 40%. Trong khi đó, tất cả các mặt hàng dầu thô đều giảm tương đối mạnh. Dầu Brent đóng cửa ở mức gần 105 USD/thùng và dầu WTI giảm còn 102,41 USD/thùng. Nỗi lo về gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu, cùng với diễn biến kéo dài của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang là yếu tố hỗ trợ giá khí tự nhiên tăng mạnh.
Còn đối với nhóm nông sản trên Sở Chicago, ngoại trừ mức tăng nhẹ 0,24% lên 1.769 USD/tấn của dầu đậu tương, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu còn lại đồng loạt giảm. Dẫn dắt xu hướng là khô đậu tương, giảm hơn 1,6% xuống mức 467 USD/tấn. Giá ngô cũng đã giảm hơn 1,3%, kết thúc phiên hôm qua ở mức hơn 312 USD/tấn. Hai mặt hàng lúa mì nối dài đà giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, xuống các mức lần lượt là 401,5 và 375,5 USD/tấn.
Các thông tin mới từ Bộ Nông nghiệp Ukraine cho thấy tình hình sản xuất mùa vụ nông sản ở nước này vẫn tương đối khả quan, bất chấp xung đột kéo dài với Nga. Hiệp hội Thương nhân Ngũ cốc Ukraine cho biết, nước này đã gieo trồng được khoảng 4,7 triệu héc ta ngũ cốc vụ xuận, tương đương 31% tổng diện tích dự kiến. Cũng theo Hiệp hội, Ukraine có kế hoạch trồng khoảng 11,45 triệu héc ta trong năm nay, thấp hơn 3,5 – 4,0 triệu héc ta so với năm ngoái cho xung đột chiến tranh. Bộ Nông nghiệp Ukraine cũng cho biết, diện tích gieo hạt có thể sẽ giảm khoảng 20% trong năm nay, mức giảm không nhiều như những lo ngại trước đó. Đây được coi là thông tin tích cực hơn về nguồn cung, góp phần vào mức giảm ngày hôm qua của ngô và lúa mì.
Trong khi đó, các tin tốt hơn về mùa vụ đậu tương tại Nam Mỹ đang tạo ra nhiều lực bán hơn trên thị trường này. Theo khảo sát của Viện Kinh tế Nông nghiệp bang Mato Grosso, Brazil, nông dân tại bang này dự kiến sẽ thu hoạch được vụ mùa đậu tương kỷ lục đạt hơn 39,5 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, tăng 1,5% so với niên vụ trước. Cũng theo khảo sát, diện tích gieo trồng đậu tương của bang dự kiến tăng 2,8% lên mức 11,2 triệu héc ta trong niên vụ 22/23 do nhu cầu và giá mặt hàng này đang duy trì ở mức cao trong suốt thời gian vừa qua. Nguồn cung tăng lên đang là yếu tố gây sức ép lên giá đậu tương trong ngắn hạn.
Trên thị trường nội địa, giá nông sản nhập khẩu chưa có nhiều biến động. Ghi nhận tại Cảng Cái Lân, giá lúa mì Úc giao tháng 5 và tháng 6 ổn định ở mức 9.500 đồng/kg; giá ngô nhập khẩu dao động ở mức 9.250 – 9.450 đồng/kg cho hàng giao tháng 6 đến tháng 8. Như vậy, mặc dù giá ngũ cốc và hạt lấy dầu thế giới đã điều chỉnh giảm, tuy nhiên mức giá nhập khẩu tiếp tục neo ở mức cao vẫn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Điều này đã khiến các doanh nghiệp phải thông báo tăng giá 400 đồng/kg đối với thức ăn chăn nuôi cho heo kể ngày 01/05. Như vậy, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 4 đợt kể từ đầu năm nay trong khi giá heo hơi thành phẩm vẫn đi ngang. Ghi nhận trong sáng nay, thị trường heo hơi toàn quốc giao dịch ở mức 53.000 – 58.000 đồng/kg.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)