sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 10/06/2022: Triển vọng nhu cầu tiêu thụ đưa giá ngô trở lại đỉnh 10 năm

10/06/2022

Đóng cửa hôm qua 09/06, trong khi sắc đỏ phủ tuyệt đối trên bảng giá Kim loại thì sắc xanh lại chiếm ưu thế đối với cả 3 nhóm hàng hoá nguyên liệu còn lại là Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Năng lượng. Chỉ số MXV-Index chỉ tăng nhẹ 0,21% lên 3.139 điểm. Tuy nhiên, theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, ngày hôm qua dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường hàng hoá ghi nhận mức tăng rất mạnh và đều trên các nhóm mặt hàng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với ngày trước đó.

Thị trường nông sản chứng kiến diễn biến trái chiều của các mặt hàng. Dầu đậu tương, lúa mì và gạo thô đồng loạt suy yếu. Trong khi đó, ngô, đậu tương và khô đậu tương tăng tương đối mạnh nhờ vào triển vọng nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Đáng chú ý, giá đậu tương tăng 1,67% lên mức 650 USD/tấn. Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, đây là mức cao nhất 10 năm kể từ năm 2012. Giá ngô cũng có phiên tăng thứ 4 liên tiếp lên mức hơn 304 USD/tấn.

Theo báo cáo được Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA phát hành tối ngày hôm qua, bán hàng ngô và đậu tương cả hai niên vụ 21/22 và 22/23 trong tuần vừa qua đều tăng rất mạnh so với tuần trước đó. Đặc biệt là với niên vụ 21/22, bán hàng đậu tương đạt mức 429,9 nghìn tấn, cao gần gấp 3 so với số liệu tuần trước đó. Ngoài ra, cũng trong hôm qua, USDA còn đã thông báo về việc bán 1 đơn hàng 143 nghìn tấn đậu tương cho 1 nước giấu tên. Số liệu bán hàng cả hai niên vụ được cải thiện cho thấy nhu cầu ngô và đậu tương Mỹ gia tăng và tạo hỗ trợ mạnh mẽ cho giá hai mặt hàng này.

Trong khi đó, giá lúa mì Chicago giảm nhẹ 0,33% xuống 393,62 USD/tấn sau phiên rung lắc và thị trường vẫn đang chờ đợi thêm các tín hiệu về việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc tại khu vực biển Đen. Thêm vào đó, việc xuất khẩu lúa mì của khối EU bị chững lại đã gây áp lực lên giá.

Hãng tư vấn Strategie Grains đã cắt giảm dự báo hàng tháng đối với xuất khẩu lúa mì mềm niên vụ 21/22 của Liên minh châu Âu (EU) từ mức 29.9 triệu tấn xuống còn 28 triệu tấn. Tình hình chiến sự tại Ukraine đã khiến giá lương thực trên thế giới tăng vọt và làm giảm nhu cầu đối với lúa mì từ EU. Điều này cho thấy nhu cầu lúa mì toàn cầu tạm thời sụt giảm và gây áp lực lên giá lúa mì Chicago.

Trên thị trường nội địa, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 05 của nước ta đạt hơn 1 triệu tấn, hơn gấp đôi so với tháng 04. Không ít doanh nghiệp chăn nuôi đã tận dụng giai đoạn hạ nhiệt hơn vừa qua để đẩy mạnh mua hàng. Đối với giao dịch giao xa, nhu cầu vẫn còn nhiều nhưng các nhà máy vẫn đang kỳ vọng giá giảm thêm. Theo Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam, các vựa nông sản lớn của thế giới đang có những tín hiệu tích cực về nguồn cung khả năng cao sẽ gỡ rối cho các doanh nghiệp nhập khẩu về chi phí đầu vào trong thời gian tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)