sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 16/10/2023: Arabica tăng 6%, dầu Brent tăng 7%

16/10/2023

Thị trường hàng hoá nguyên liệu vừa đóng cửa tuần khởi sắc tích cực. Lực mua hoàn toàn áp đảo với nhiều mặt hàng tăng vọt, đã thúc đẩy chỉ số MXV-Index bật tăng 2,28% từ vùng thấp nhất 3 tháng ghi nhận vào tuần trước đó, lên mức 2.242 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tương đối ổn định, trung bình đạt trên 3.700 tỷ đồng mỗi ngày.

Thị trường cà phê là điểm sáng đáng chú ý trong tuần. Trong đó, giá Arabica bật tăng mạnh hơn 6% lên sát mức 3.415 USD/tấn. Trong khi đó, cà phê Robusta chỉ nhích nhẹ 0,18%. MXV cho biết, xuất khẩu cà phê tại Brazil bất ngờ giảm trong tháng 9 tại Brazil kết hợp cùng việc đồng Real mạnh lên đã hỗ trợ giá Arabica. 

Theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), Brazil đã xuất đi 3,02 triệu bao cà phê nhân, thấp hơn mức 3,16 triệu bao trong cùng kỳ năm 2022, cũng như mức 3,47 triệu bao trong tháng 8. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica ở mức 2,4 triệu bao, giảm mạnh khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá Arabica giảm về mức thấp là nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu yếu đi.  

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong cuối tuần trước, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ được thu mua quanh mức 63.200 – 63.700 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với 1 tuần trước đó.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, thị trường cũng dành nhiều sự quan tâm đến đà tăng mạnh của giá dầu. Chốt tuần, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 tăng gần 6% lên mức 87,69 USD/thùng. Dầu Brent tháng 12 chốt tuần vượt mốc 90 USD/thùng, cao hơn 7,46% so với tuần trước đó.

MXV cho biết, giá dầu lấy lại đà tăng mạnh sau tuần lao dốc trước đó trước diễn biến căng thẳng mới trong cuộc xung đột tại Trung Đông. Đây là trung tâm sản xuất và vận chuyển dầu lớn trên thế giới. Điều này đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu mỏ. 

Ngoài ra, dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới cho thấy nguy cơ nguồn cung tiếp tục thâm hụt trong quý IV cũng đẩy giá dầu lên cao. 

Cộng hưởng với các rủi ro địa chính trị, các dự báo về cung cầu cũng đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong tuần qua. 

Dữ liệu theo dõi tàu Bloomberg cho thấy xuất khẩu dầu Nga bằng đường biển cũng giảm mạnh trong tuần trước, với khoảng 3,23 triệu thùng dầu/ngày, giảm khoảng 490 nghìn thùng mỗi ngày so với bảy ngày trước đó. 

Đối với nguồn cung Mỹ, số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ đã kết thúc chuỗi 3 tuần giảm trước đó, sau khi tăng thêm 3 giàn lên mức 622 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 13/10. Tuy nhiên, số giàn khoan dầu vẫn ở vùng thấp kể từ tháng 2/2022. 

MXV nhận định, trong tuần này, nhóm năng lượng, đặc biệt là dầu thô, sẽ vẫn là tâm điểm của thị trường, trước các biến số khó lường từ khu vực Trung Đông. Bất kỳ một thông tin nào cho thấy cuộc xung đột tại Israel leo thang hoặc lan rộng, cũng có thể áp đảo các thông tin về cung cầu khác và khiến giá dầu tăng đột biến trong ngắn hạn. 

Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang có ngưỡng chặn trên ở 100 USD/thùng, nên trong kịch bản giá tăng, khi đến 100 USD/thùng, cũng sẽ xuất hiện lực bán và khiến giá giảm trở lại. Các mô hình về cung – cầu hiện đang thiên về việc giá dầu Brent sẽ ở trong khoảng 85 – 95 USD/thùng trong một vài tuần tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)