Tin tức
Bản tin TCKD ngày 19/07/2023: Giá nông sản, năng lượng tăng mạnh
Sắc xanh áp đảo trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua, hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng 1,16% lên 2.247 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.400 tỷ đồng.
Nông sản và năng lượng là hai nhóm thị trường đón nhận lực mua rất tích cực; đóng góp quan trọng vào đà tăng chung của toàn thị trường. Lực mua được thúc đẩy chủ yếu từ lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt, từ đó tạo động lực cho giá tăng cao.
Đáng chú ý, trên Sở Chicago, giá ngô hợp đồng tháng 12 dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường với mức tăng rất mạnh trên 5,6% lên 210 USD/tấn. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của giá ngô trong gần 2 năm qua. Cùng với đó, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9 cũng đã đóng cửa tăng 2,6%.
Theo MXV, nguyên nhân chính thúc đẩy giá nông sản trong ngày hôm qua đến từ lo ngại gián đoạn nguồn cung toàn cầu sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Đây sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng đối với thị trường nông sản thế giới, và có thể sẽ mở ra chu kỳ tăng giá mới, biến động mạnh với biên độ rộng tương tự như thời điểm căng thẳng bắt đầu diễn ra.
Một diễn biến đáng quan tâm khác trên thị trường năng lượng, dầu WTI đóng cửa tăng 2,16%, dầu Brent tăng 1,44%, lên tiệm cận mức 80 USD/thùng. Lo ngại về nguồn cung toàn cầu khi sản xuất tại các quốc gia xuất khẩu quan trọng đồng loạt có dấu hiệu chậm lại, đã tạo hỗ trợ cho giá dầu hồi phục mạnh mẽ.
Tại Mỹ, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng (EIA), sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 9 và tháng 4, sản lượng dầu đá phiến của nước này sẽ giảm lần đầu tiên trong năm nay vào tháng 8 tới đây, xuống còn 9,4 triệu thùng/ngày.
Kết hợp với việc cắt giảm sản lượng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+, sự sụt giảm sản lượng tại Mỹ càng làm dấy lên lo ngại về thâm hụt nguồn cung nửa cuối năm nay, thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Trong khi đó, tại Nga, xuất khẩu dầu thô trung bình 4 tuần, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1 đầu năm nay, ở mức 3,1 triệu thùng trong tuần vừa qua. Con số này hiện thấp hơn khoảng 270 nghìn thùng/ngày so với tháng 2, tháng tham chiếu cho mức cắt giảm 500 nghìn thùng/ngày của Nga.
Trước những lo ngại về nguồn cung kể trên, giới phân tích nhận định giá dầu Brent sẽ khó có thể giảm xuống dưới 70 USD/thùng, và nhiều khả năng sẽ duy trì dưới 90 USD/thùng trong năm nay, trừ khi có các tác động rất mạnh.
Cập nhật mới nhất từ MXV, rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ chỉ giảm 800 thùng trong tuần vừa qua, thấp hơn kỳ vọng giảm 2,4 triệu thùng/ngày. MXV cho biết, thông tin này có thể sẽ khiến đà phục hồi của giá dầu chững lại trong phiên mở cửa hôm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)