sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD ngày 21/03/2024: Giá lúa mì sụt giảm do nguồn cung toàn cầu mở rộng

21/03/2024

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá. Nhóm nông sản và công nghiệp đón nhận lực mua tích cực. Trong khi đó, các mặt hàng năng lượng và kim loại đồng loạt chịu áp lực. Đóng cửa, lực bán chiếm ưu thế khiến chỉ số MXV-Index tiếp tục suy yếu 0,27% xuống 2.214 điểm. Tuy vậy, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng mạnh 35%, đạt trên 7.100 tỷ đồng. 

Thị trường nông sản diễn biến trái chiểu. 3 mặt hàng nhóm đậu tương đón nhận lực mua tích cực nhờ tình hình xuất khẩu tích cực tại Mỹ. Trong báo cáo phát hành tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết đã bán đơn hàng hơn 120 nghìn tấn giao niên vụ 24/25, cho thấy cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ đang dần hồi phục.

Ở chiều ngược lại, giá lúa mì sụt giảm gần 1,4% xuống còn 200 USD/tấn, sau 2 ngày tăng mạnh do lực bán chốt lời. Ngoài ra, triển vọng nguồn cung toàn cầu dồi dào hơn khi Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã đạt được thỏa thuận tạm thời cho phép miễn thuế đối với các nhà sản xuất thực phẩm của Ukraine cho tới tháng 6/2025.

Theo MXV, trong bối cảnh lúa mì giá rẻ từ Nga vốn đang tràn ngập thị trường thế giới, việc ngũ cốc từ Ukraine tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu, nguồn cung từ nước này cũng sẽ được đẩy mạnh trên thị trường; có thể là yếu tố duy trì đà giảm của giá trong giai đoạn tới.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua 20/3, giá lúa mì nhập khẩu về cảng Vũng Tàu duy trì ổn định quanh mức 6.300 – 6.400 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng 3, 6.400 – 6.450 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng 4.

Trong khi đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ về cảng Cái Lân kỳ hạn giao quý II năm nay ở mức 11.350 – 11.550 đồng/kg, cao hơn khoảnh 100 đồng/kg so với giá chào bán tại cảng Vũng Tàu.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, các mặt hàng năng lượng và kim loại chịu sức ép do lực bán chốt lời sau chuỗi nhiều ngày tăng nóng, tuy nhiên, hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô sau cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED, đã giúp đà sụt giảm của các mặt hàng này được thu hẹp đáng kể. Đóng cửa, giá dầu WTI giảm 1,76% xuống 81,27 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,64% xuống 85,95 USD/thùng.  

Đối với nhóm kim loại quý nhạy cảm nhất với biến động lãi suất, mặc dù có thời điểm giá bạc và bạch kim giảm tới 1% trong ngày, nhưng lực mua vào cuối phiên đã khiến bạc chỉ giảm 0,12% xuống 25,10 USD/ounce, bạch kim giảm 0,19% xuống 899,4 USD/ounce. 

Cụ thể, sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 19 – 20/3, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ năm liên tiếp ở phạm vi 5,25 - 5,5%. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ chỉ thực hiện 3 lần cắt giảm vào năm sau, thay vì 4 lần như dự báo vào tháng 12.

Ngoài ra, các quan chức Fed đã đẩy mạnh dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay, dự kiến đạt 2,1% vào năm 2024, tăng so với ước tính 1,4% trong cuộc họp tháng 12. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo kết thúc năm 2024 ở mức 4%, giảm nhẹ so với dự báo hồi tháng 12 là 4,1%.

Kỳ vọng FED sớm xoay trục chính sách tiền tệ đã thúc đẩy đáng kể tâm lý tích cực của thị trường, hỗ trợ giá dầu thô cũng như kim loại về cuối phiên.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)