Tin tức
Bản tin TCKD ngày 25/01/2024: Chỉ số hàng hoá MXV-Index chạm mức cao nhất từ đầu năm 2024
Lực mua tiếp tục áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua. Với 26 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, chỉ số MXV-Index đã bật tăng mạnh 1,08% lên 2.145 điểm, nối dài đà tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp, đồng thời đưa chỉ số hàng hoá này chạm mức cao nhất kể từ đầu năm nay. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.900 tỷ đồng.
Điểm sáng đáng chú ý nhất trong ngày hôm qua phải kể đến khí tự nhiên khi mặt hàng này chốt ngày tăng vọt đến 7,8%, lên 2,64 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Sau chuỗi giảm sâu liên tiếp 5 ngày, mặt hàng này đã ghi nhận 2 phiên hồi phục mạnh.
MXV cho biết, khí tự nhiên đón nhận lực mua tích cực khi dự báo thời tiết lạnh hơn thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm trong bối cảnh sản lượng bị sụt giảm do thời tiết băng giá làm gián đoạn sản xuất.
Khảo sát từ Reuters cho thấy, sản lượng khí đốt trung bình ở 48 bang của Mỹ đã giảm xuống 102,9 tỷ feet khối mỗi ngày từ đầu tháng 1 đến nay, giảm so với mức kỷ lục hàng tháng là 108 tỷ feet khối trong tháng 12/2023.
Thêm vào đó, mới đây, hãng tin Reuters đưa tin, Ba Lan và các nước vùng Baltic đang kêu gọi cấm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga theo gói trừng phạt thứ 13 của Liên minh châu Âu (EU). Thông tin này càng làm sâu sắc thêm lo ngại nguồn cung khí toàn cầu gặp gián đoạn, thúc đẩy lực mua đối với khí tự nhiên trong hôm qua.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nông sản niêm yết trên Sở Chicago. Cụ thể, giá lúa mì dẫn dắt xu hướng, với mức tăng 2,39% lên 224,41 USD/tấn, đánh dấu chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp. Cùng với đó, giá ngô cũng đã đóng cửa cao hơn 1,29% so với tham chiếu, vượt mức 178 USD/tấn, thiết lập chuỗi tăng liên tiếp 5 ngày. Theo MXV, lo ngại nguồn cung gián đoạn là yếu tố chính củng cố lực mua đối với cả 2 mặt hàng nông sản quan trọng này trong ngày hôm qua.
Đối với lúa mì, phía Ukraine cho biết, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này bằng đường biển trong tháng 1 có thể giảm 20% so với tháng trước do cuộc khủng hoảng biển Đỏ. Xung đột đã làm gián đoạn một phần dòng chảy thương mại giữa châu Âu và châu Á. Tuyến đường Biển Đỏ đặc biệt quan trọng đối với Ukraine bởi gần 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này là đến Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích dự báo rằng nhiều chuyến hàng có thể chuyển hướng khỏi tuyến kênh Suez - Biển Đỏ, cản trở việc xuất khẩu của Ukraine.
Đối với ngô, triển vọng mùa vụ tại bang sản xuất trọng điểm của Brazil là Parana đang cho thấy những tín hiệu kém tích cực. Năng suất thấp, tiến độ thu hoạch chậm, có thể khiến nông dân nước này tiếp tục hạn chế bán hàng để chờ đợi mức giá giao dịch tốt hơn. Điều này có thể khiến nguồn cung thu hẹp trong ngắn hạn, góp phần hỗ trợ giá.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (24/1) giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao tháng 2 trong khoảng 6.500 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 3, giá chào bán dao động ở mức 6.300 – 6.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 100 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)