Tin tức
Bản tin TCKD ngày 29/04/2022: Giá bông tăng 5 phiên liên tiếp lên mức cao nhất từ năm 2011
Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua 28/04, thị trường hàng hoá giằng co và có sự phân hóa ở nhiều nhóm mặt hàng quan trọng, khiến MXV - Index giảm nhẹ chưa đến 0,2% xuống 3.018 điểm. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng thêm 17%, đạt hơn 5.300 tỷ đồng nhờ mức tăng đột biến đến 50% của dòng tiền ở nhóm Năng lượng. Đây vẫn là điểm sáng thu hút sự quan tâm của giới phân tích và đầu tư bởi những diễn biến rất đáng chú ý.
Trên bảng giá Năng lượng, phần lớn các mặt hàng đều có mức biến động rất mạnh. Khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6 tuột dốc đến hơn 6% xuống còn 6,89 USD trên mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh. Trong khi đó, cả hai mặt hàng dầu thô đều đã có phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp. Dầu WTI vượt xa mốc 100 USD/thùng, đóng cửa ở trên 105 USD/thùng và dầu Brent cũng tăng 2,2% lên cao hơn 107 USD/thùng, tiến gần hơn đến mốc 110 USD.
Đà tăng của nhóm Năng lượng nói chung và dầu thô nói riêng lập tức đã tác động đến cả thị trường, trong đó các mặt hàng có sự liên quan chặt chẽ với dầu thô đều tăng mạnh. Điển hình có thể kể đến là mức tăng vọt gần 5% lên 3.255 USD/tấn của giá Bông kỳ hạn tháng 7 trên Sở ICE trong ngày hôm qua, kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp. Thậm chí, trong phiên, đã có lúc giá đã chạm kịch trần, và đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm.
Như vậy, trong vòng chưa đến 1 năm, giá bông đã tăng gấp đôi và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đánh giá về diễn biến mặt hàng này, Ngân hàng thế giới World Bank mới đây đã cảnh báo giá bông sẽ tăng thêm 40% trong năm nay 2022 trước khi giảm nhẹ 6% vào năm 2023, khi mà yếu tố thời tiết dần chuyển biến tích cực hơn.
Trong báo cáo phát hành tối qua theo giờ Việt Nam của Bộ Nông nghiệp Mỹ, bán hàng bông nước này trong tuần vừa qua đã tăng gấp đôi so với tuần trước đó, đạt 121 nghìn kiện, doanh số bán hàng cũng cao hơn 14% so với mức trung bình của 4 tuần gần nhất. Điều này cho thấy triển vọng nhu cầu tiêu thụ bông toàn cầu vẫn rất tích cực bất chấp các tin tức xấu về diễn biến xung đột Nga – Ukraine và tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.
Cùng diễn biến với giá bông, giá ngô kỳ hạn tháng 7 trên Sở Chicago cũng đã có 4 phiên tăng liên tục, lên mức 320,26 USD/tấn. Tính từ đầu tháng đến nay, giá ngô đã tăng gần 13% và chỉ còn cách chưa đầy 10 USD so với mức cao nhất trong lịch sử.
Xung đột đã khiến cây cầu chiến lược ở Ukraine hư hỏng và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất khẩu ngô của nước này, là nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng ngày hôm qua của giá ngô. Ukraina hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 4 trên thế giới và là nguồn cung rất quan trọng cho thị trường Đông Âu và Trung Đông.
Từ đầu năm nay, giá thế giới tăng cao kéo theo giá ngô nhập khẩu trong nước cũng liên tục tăng mạnh. Ghi nhận trong sáng nay taị cảng Cái Lân, giá ngô nhập khẩu dao động ở mức 9.250 – 9.450 đồng/kg cho hàng giao từ tháng 6 đến tháng 8, tăng từ 250 – 400 đồng/kg trong vòng 1 tuần trở lại đây. Giá nhập khẩu tăng cao đang đặt các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trước bài toán khó: Chấp nhận nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá cao để duy trì sự ổn định trong sản xuất, hay chờ đợi giá nhập khẩu thấp hơn, nhưng đồng nghĩa với rủi ro thiếu hụt nguyên liệu sẽ cao hơn trong phần còn lại của năm 2022.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)