sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Bản tin TCKD sáng ngày 25/04/2022: Giá bông thế giới neo ở mức cao gây sức ép lên ngành may mặc

25/04/2022

Thị trường hàng hoá vừa trải qua tuần điều chỉnh giảm tương đối mạnh, đặc biệt là nhóm các mặt hàng Nguyên liệu Công nghiệp, Kim loại và Năng lượng. Kết thúc tuần, chỉ số MXV- Index đã đánh mất mốc 3.000 điểm, khi giảm 2,17% xuống còn 2.999 điểm. Tuy nhiên, do tính chất hai chiều của thị trường, nhà đầu tư vẫn có thể gia tăng lợi nhuận ngay cả khi giá giảm, nên giá trị giao dịch trung bình toàn Sở vẫn đạt hơn 5.200 tỷ đồng mỗi phiên, tăng đến gần 20% so với tuần trước đó và có xu hướng dịch chuyển đồng đều hơn về các nhóm Công nghiệp hay Kim loại, sau một thời gian dài giới đầu tư có xu hướng tập trung vào các mặt hàng trong nhóm năng lượng và nông sản.

Trong nhóm nguyên liệu công nghiệp, thị trường chứng kiến diễn biến trái chiều rất rõ rệt với mức tăng có phần khiêm tốn của cà phê và dầu cọ. Trong khi đó, tất cả các mặt hàng còn lại đồng loạt giảm tương đối mạnh. Cà phê Arabica tháng 7 trên Sở New York tăng mạnh hơn 1,5% lên trên mức 5.007 USD/tấn và cà phê Robusta cùng kỳ hạn trên Sở London tăng 0,81% lên 2.116 USD/tấn. Tín hiệu thời tiết tiêu cực tại các khu vực gieo trồng trọng điểm có thể gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cà phê toàn cầu niên vụ sắp tới là yếu tố chính hỗ trợ cho giá mặt hàng này trong tuần vừa qua.

Dầu cọ Malaysia, mặt hàng được biết đến là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất nhiên liệu sinh học, tiếp tục nối dài đà tăng từ tuần trước, với mức tăng mạnh nhất nhóm, 1,56% lên hơn 1.407 USD/tấn. So với hồi đầu năm nay, dầu cọ thô đã tăng đến hơn 26% và đà tăng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong khi đó, giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp còn lại là Bông, Đường, Ca cao và Cao su đều quay đầu giảm theo xu hướng chung của thị trường. Giá Bông kỳ hạn tháng 7 trên Sở ICE giảm đến 3,45% xuống hơn 2,994 USD/tấn. Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA đã công bố các chỉ số ước lượng đầu tiên cho niên vụ 2022/23. Theo đó, sản lượng toàn cầu được dự báo tăng 3,2% lên mức 124 triệu kiện, trong khi đó, lượng tiêu thụ chỉ tăng 1,7% lên 126,5 triệu kiện.

Là nước tiêu thụ bông thứ 6 toàn cầu, giá bông thế giới tác động rất lớn đến ngành may mặc nước ta. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu bông trong 15 ngày đầu tháng 04 của nước ta đã giảm tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 47 nghìn tấn. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu lại chỉ giảm 19% do giá nhập khẩu hiện vẫn đang neo ở mức giá cao do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine. Luỹ kế từ đầu năm nay, nước ta nhập khẩu tổng cộng hơn 416 nghìn tấn bông với trị gía hơn 1 tỷ đô, thấp hơn 15% về lượng nhưng lại tăng 18% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đánh giá của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường bông Việt Nam vẫn sẽ có những biến động mạnh với thách thức mới trong bối cảnh tắc nghẽn logistics, sản xuất bị gián đoạn, chi phí vận chuyển tăng cao và tình trạng thiếu nguyên liệu. Những yếu tố này sẽ tiếp tục gây sức ép lên chi phí đầu vào và khiến người tiêu dùng có thể phải chịu các mức giá cao hơn trong khi doanh nghiệp sản xuất có biên độ lợi nhuận bị thu hẹp. Tuy nhiên, MXV nhận định, giá bông nhập khẩu vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh vào nửa cuối năm nay.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)