sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Cà phê khả năng cao sẽ có phiên giằng co trước diễn biến trái chiều của thông tin cơ bản và yếu tố kỹ thuật

01/08/2022

Kết thúc tuần giao dịch 25/07 – 31/07, 2 mặt hàng cà phê đều có sự khởi sắc. Tuy nhiên, diễn biến trong tuần lại có sự trái chiều, đặc biệt là 2 phiên cuối tuần, khi Robusta duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của nhu cầu nhập khẩu tại Nestle gia tăng, Arabica suy yếu do lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ khiến nhu cầu tiêu thụ suy giảm. 

Các chỉ số vĩ mô suy yếu vẫn đang có những tác động nhất định đến lực mua cà phê trên thị trường. Cụ thể, Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF, kỳ vọng giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), khiến lo ngại về suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê tại 2 thị trường lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng âm trong quý II tại Mỹ cũng củng cố thêm lo ngại này và dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến giá cà phê, trong bối cảnh các thông tin cơ bản chưa có nhiều sự đổi mới.

Tốc độ suy giảm của tồn kho đạt chuẩn Arabica trong tuần qua đã có sự suy yếu so với các tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần trước, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên sàn ICE US chỉ giảm 4,798 bao (60kg), so với mức giảm 28,430 bao của tuần trước đó. Đặc biệt, trong bối cảnh dự báo thời tiết trong 10 ngày tới tại Minas Gerias, vùng sản xuất chiếm gần 60% sản lượng Arabica tại Brazil, vẫn duy trì sự khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến độ thu hoạch tại đây, thúc đẩy việc nới lỏng nguồn cung trong thời gian tới.

Về mặt kỹ thuật, dù có 2 phiên giảm giá trước đó, giá Arabica vẫn nằm trên 2 đường trung bình động MA10 và MA20, thêm vào đó, đường MACD giao nhau với đường Signal hướng lên trê đường 0, thể hiện cho xu hướng tăng của giá. Tuy vậy, nếu xét theo khung 1H, các chỉ số này lại không được khả quan như vậy. Cụ thể, đường MACD và Signal dù nằm trên đường 0, có chiều hướng đi ngang, cùng với giá đang bị kẹp giữa 2 đường trung bình động.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)