Tin tức
Chỉ số MXV-Index năng lượng đạt mức thấp nhất trong hơn 2 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày cuối cùng của tháng 6, lực bán áp đảo diễn ra đối với hầu hết các mặt hàng được giao dịch đã kéo chỉ số MXV-Index giảm mạnh 3,95% xuống còn 2.681,01 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 09/05/2022.
Duy nhất 3 nguyên liệu thuộc nhóm công nghiệp tăng giá và giữ được sắc xanh cho chỉ số MXV-Index của nhóm này. Đáng chú ý, chỉ số MXV-Index của nhóm năng lượng và dẫn đầu đà suy yếu khi sụt giảm 6,71% xuống còn 4.965,58 điểm, mức điểm thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng. Các mặt hàng nông sản phủ kín trong sắc đỏ, tuy nhiên giá trị giao dịch vẫn đạt mức tăng phiên thứ 4 liên tiếp và khẳng định sức hấp dẫn của nhóm. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng 12,72%, đạt mức 4.820 tỷ đồng.
Đậu tương suy yếu sau 4 phiên tăng liên tiếp
Sau khi hồi phục trong 4 phiên liên tiếp, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 đã có sự suy yếu và tiến đến sát về mốc hỗ trợ tâm lý ở vùng 1450 cents trong phiên hôm qua.
Theo báo cáo, diện tích gieo trồng đậu tương của Mỹ trong niên vụ 22/23 đạt 88,325 triệu mẫu, thấp hơn so với khoảng dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, việc cắt giảm diện tích so với báo cáo tháng 3 không còn là điều bất ngờ với thị trường và đã được phản ánh vào suốt 4 phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó.
Bên cạnh đó, nhu cầu đậu tương tại Mỹ suy yếu cũng góp phần gây áp lực lên giá. Trong tuần kết thúc vào ngày 23/06, tổng khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 21/22 của Mỹ là một con số âm, do việc huỷ đơn hàng 100.000 tấn đậu tương niên vụ 21/22 của quốc gia giấu tên.
Cùng diễn biến với giá đậu tương, dầu đậu tương cũng đóng cửa phiên giao dịch trong sắc đỏ và đây là mặt hàng giảm mạnh nhất trong nhóm. Song song với đà giảm mạnh của giá dầu, việc nới lỏng xuất khẩu của quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới cho thấy nguồn cung dầu thực vật được cải thiện vẫn tiếp tục là yếu tố tác động mạnh nhất đến đà giảm của giá mặt hàng này.
Trong khi đó, giá khô đậu tương chỉ giằng co quanh mức giá tham chiếu. Đà tăng mạnh trong vài phiên vừa qua đang có dấu hiệu chững lại. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin cơ bản định hướng, khô đậu chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến của 2 mặt hàng còn lại. Áp lực trái chiều với giá dầu đậu đã hỗ trợ và giúp giá mặt hàng này hồi phục mạnh ở trong phiên tối.
Giá ngô lao dốc mạnh sau báo cáo Diện tích gieo trồng
Kết thúc phiên giao dịch 30/06, giá ngô hợp đồng tháng 12 lao dốc, quay trở về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 03. Những số liệu từ các báo cáo quan trọng do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành hôm qua cho thấy triển vọng ngô Mỹ đang nới lỏng hơn là nguyên nhân chính giúp giải thích cho diễn biến giá.
Số liệu từ báo cáo Diện tích Gieo trồng 2022 cho thấy diện tích trồng ngô niên vụ 22/23 tại Mỹ đạt 89,921 triệu mẫu, cao hơn so với mức 89,490 triệu mẫu trong báo cáo Triển vọng mùa vụ và mức dự đoán của thị trường. Chính vì thế nên lực bán đã tiếp tục được đẩy mạnh sau khi USDA phát hành báo cáo cho tới khi đóng cửa phiên.
Thêm vào đó, số liệu bán hàng ngô Mỹ trong báo cáo Doanh thu xuất khẩu cũng không mấy khả quan. Cụ thể, khối lượng bán hàng ngô trong tuần niên vụ 21/22 trong tuần vừa rồi đạt 88.795 tấn, giảm 86,8% so với số liệu tuần trước đó, và là mức thấp nhất kể từ đầu niên vụ tới nay. Nhu cầu cũng suy yếu có thể khiến cho tồn kho cuối vụ cao hơn và càng tạo áp lực lên giá.
Đối với lúa mì hợp đồng kỳ hạn tháng 09, giá cũng quay đầu về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 03 tới nay của mặt hàng này.
Tồn kho lúa mì Mỹ tính đến hết 01/06/2022 cao hơn 5 triệu giạ so với dự đoán của thị trường. Điều này nhiều khả năng là do khối lượng xuất khẩu lúa mì niên vụ 21/22 của nước này bị cắt giảm. Tồn kho cao hơn sẽ làm giảm bớt áp lực về nguồn cung thiếu hụt trên thế giới và tạo áp lực lên giá.
Giá dầu lao dốc trước triển vọng tiêu thụ tiêu cực
Dầu thô giảm mạnh trong phiên hôm qua và đánh dấu tháng đầu tiên giảm sau chuỗi tăng kéo dài từ tháng 12/2021 đến nay. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, giá dầu thô WTI giảm 3,66% còn 105,76 USD/thùng, giá dầu WTI đóng cửa thấp hơn 3.04% còn 109,03 USD/thùng. Đáng chú ý, giá dầu WTI giảm mạnh 5,5% trong tháng 6 còn giá dầu Brent giảm khiêm tốn hơn 3,15%.
Sức ép bán áp đảo trên thị trường trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ ngày một xấu đi trước những lo ngại về suy thoái kinh tế. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang giảm ngay trong mùa lái xe cao điểm của Mỹ. Không chỉ có báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) chỉ ra điều này, số liệu của Conference Board - một tổ chức nghiên cứu kinh tế uy tín của Mỹ - cho thấy số lượng người Mỹ có kế hoạch đi nghỉ bằng ô tô trong 6 tháng tới đã giảm 22,7%, mức thấp nhất theo mùa trong vòng 4 năm.
Trong phiên hôm qua, giá dầu cũng chịu sức ép bán cùng với toàn bộ các thị trường đầu tư rủi ro khác như thị trường chứng khoán, thị trường tiền điện tử. Tâm lý của các nhà giao dịch hiện đang rất bi quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu nắm giữ tiền mặt đang tăng lên.
Giá khí tự nhiên giảm mạnh 16,53% trong bối cảnh việc đóng cửa nhà máy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Freeport LNG ở Texas khiến các công ty dự trữ nhiều nhiên liệu hơn dự kiến, và làm dấy lên lo ngại về một thị trường dư cung. Sức ép bán không ngừng gia tăng khi mà sau khi các cơ quan quản lý đường ống của Mỹ cho biết họ nhận thấy Freeport hiện vẫn chưa đủ điều kiện an toàn để hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, báo cáo của EIA cũng cho thấy tồn kho khí tự nhiên của Mỹ tăng 82 tỷ feet khối lên 2.251 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 24/06.
Tại thị trường nội địa, sau kỳ điều chỉnh tăng trước đó, chiều nay, tại kỳ điều hành giá của Liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng dầu trong nước dự kiến sẽ được điều chỉnh giảm khi giá dầu thế giới có xu hướng hạ nhiệt trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, mức giảm được dự đoán sẽ khá khiêm tốn, khoảng 100 - 200 đồng/lít.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)