Tin tức
Chính sách thúc đẩy bán hàng của Argentina sẽ tạo áp lực cạnh tranh đến giá đậu tương CBOT
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đậu tương đã tạo gapdown và sụt giảm khá mạnh theo diễn biến chung của nhóm nông sản. Tuần trước, tâm lí trước đợt nghỉ lễ Thanksgiving khiến cho thị trường trở nên ảm đạm hơn, khối lượng giao dịch hàng ngày trong tuần chỉ bằng 70% so với mức trung bình trong tháng 11. Điều này cũng một phần lý giải cho việc giá đậu tương chỉ giằng co và không rõ xu hướng trong vài phiên vừa qua. Trong tuần này, chúng tôi cho rằng thị trường đậu tương sẽ biến động rõ ràng hơn khi các thông tin về cung cầu đang dần trở nên rõ nét.
Theo hãng tin Reuters, Argentina cuối tuần trước đã chính thức công bố tỷ giá ưu đãi đối với việc xuất khẩu đậu tương của nước này nhằm tăng cường bán hàng và mang lại nguồn thu cho kho dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương. Theo Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa, tỷ giá hối đoái đối với đậu tương và các sản phẩm phái sinh sẽ được đặt ở mức 230 peso/USD. Hiện tại, tỷ giá chính thức giao động quanh 165 peso. Ông Massa kì vọng biện pháp này sẽ thu về ít nhất 3 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Trước đó, vào tháng 09, chính phủ cũng đã đẩy mạnh xuất khẩu đậu tương với chính sách tỷ giá ưu đãi được áp dụng ở mức 200 peso/USD, cao hơn so với tỷ giá chính thức vào thời điểm đó là 150 peso/USD. Biện pháp hồi tháng 9 đã mang lại 8 tỷ USD cho nước này, với khoảng 5 tỷ USD còn trong kho dự trữ cửa ngân hàng trung ương. Trong bối cảnh Mỹ vừa mới thu hoạch xong, nguồn cung sẵn có đang dồi dào nhất trong năm thúc đẩy khối lượng bán hàng của nông dân thì thông tin này từ Argentina sẽ khiến cho thị trường đậu tương Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn. Trong khi đó, xét về nhu cầu, với những chính sách thắt chặt Zero Covid của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thì đây cũng là dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể sẽ ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi nội địa và gián tiếp làm giảm bớt nhu cầu nhập khẩu đậu tương.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)