Tin tức
Chu kì biến động của giá nông sản đang mở ra cánh cửa mới cho ngành chăn nuôi trong quý IV/2022
Giá các mặt hàng nông sản làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng lên và duy trì ở mức cao kể từ đầu năm 2021 đến nay vẫn luôn là mối bận tâm và vấn đề nan giải mà các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước đang đối mặt. Tuy nhiên, triển vọng ngành đang tích cực hơn trong quý IV tới khi áp lực chi phí giảm bớt và giá thịt heo ổn định dần.
Trong ngành chăn nuôi, chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn thường đã chiếm khoảng 70% giá thành. Tuy nhiên, con số này đã không ngừng tăng lên kể từ khi đà tăng phi mã của giá nông sản thế giới bắt đầu. Do đặc điểm phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung nguyên liệu từ việc nhập khẩu nên điều này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp chăn nuôi nước ta đứng trước tình trạng “gồng lỗ”.
Trong 2 tháng gần đây, giá nông sản đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt hơn khi tạo đỉnh vào cuối tháng 6 và thậm chí đã có thời điểm chạm mức thấp nhất trong gần 10 tháng trước đó. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 18/08, giá ngô ghi nhận mức hồi phục nhẹ trở lại sau 2 phiên lao dốc đầu tuần. Giá đậu tương cũng diễn biến tương tự và đóng cửa ở mức 510 USD/tấn.
Nhìn lại thị trường chăn nuôi trong 2 năm qua
Cụm từ “đà tăng phi mã” được nhắc tới trên thị trường nông sản thế giới kể từ đầu năm 2021 khi nguồn cung toàn cầu có dấu hiệu thắt chặt hơn. Hiện tượng La Nina gây ra hạn hán nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề tới năng suất mùa vụ ngô của Nam Mỹ. Cùng với đó là chuỗi các vấn đề hậu cần ở các cảng khiến hoạt động xuất khẩu tại Argentina cũng gặp không ít khó khăn.
Không những thế, nhu cầu của Trung Quốc còn bất ngờ tăng đột biến cũng góp phần thúc đẩy giá nông sản. Nếu như trước đó, quốc gia châu Á này chỉ nhập khẩu dưới 7 triệu tấn ngô/năm thì sang đến niên vụ 2020/2021, con số này bất ngờ nhảy vọt lên gần 30 triệu tấn. Gánh nặng về chi phí nhập khẩu đối với các doanh nghiệp chăn nuôi trở nên nặng nề nhất vào lúc này.
Tuy nhiên, tình hình khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đấy. Quay trở lại với nguyên nhân khiến Trung Quốc đẩy mạnh thu mua ngô quốc tế, đây không chỉ là yếu tố gây ra đà tăng của giá thức ăn mà còn gây sức ép đối với đầu ra.
Dịch tả Châu Phi (ASF) đã càn quét qua đất nước có đàn heo lớn nhất thế giới, tạo nên cơn khủng hoảng thịt trầm trọng nhất ở Trung Quốc. Không những thế, Covid-19 trong năm 2020 tiếp tục làm cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn, giáng mạnh vào những hy vọng tái thiết. Tuy nhiên, với khối lượng nông sản khổng lồ nhập khẩu từ Mỹ sau Hiệp định thương mại giữa 2 bên, Trung Quốc đã hồi phục mạnh mẽ ngành chăn nuôi và thúc đẩy sản lượng heo trở lại.
Cụ thể, sản lượng heo tại Trung Quốc năm 2021 ước đạt gần 50 triệu tấn, tăng hơn 32% so với năm 2020. Nguồn cung tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn đã gây ra cuộc khủng hoảng thừa và khiến cho giá thịt heo toàn cầu lao dốc mạnh.
Giá nông sản thế giới sẽ chịu sức ép lớn trong tháng 9
Giá các mặt hàng nông sản đang có dấu hiệu bước vào xu hướng giảm trong 2 tháng qua. Đây là chu kỳ thường thấy đối với thị trường nông sản thế giới do tính mùa vụ của các nước sản xuất lớn.
Mỹ, quốc gia xuất khẩu ngô và đậu tương lớn nhất thế giới, thường bắt đầu gieo trồng vào đầu năm và tháng 6 đến tháng 9 là giai đoạn phát triển của cây trồng. Đây cũng là thời điểm nắng nóng nhất vào mùa hè nên lo ngại về thời tiết bất lợi gây ra thiệt hại đối với năng suất mùa vụ không phải là điều bất ngờ. Tuy nhiên, giai đoạn khô hạn đỉnh điểm đi qua, những lo ngại trên được xoa dịu dần thì giá nông sản lại chịu sức ép lớn.
Tại Brazil, Ban Thư ký Ngoại thương (Secex) cho biết, trong 2 tuần đầu tháng 08, mỗi ngày nước này đã xuất khẩu tới 323.600 tấn ngô, cao hơn so với mức 197.100 tấn được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) cũng dự báo Brazil có thể xuất khẩu 8,09 triệu tấn trong tháng này, cao hơn so với mức 7,88 triệu tấn dự báo tuần trước. Việc tốc độ thu hoạch ngô vụ 2 được đẩy mạnh, kết hợp với mức năng suất cao đã giúp nước này tăng cường hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang xúc tiến các hiệp định thương mại để đẩy nhanh việc nhập khẩu ngô Brazil cũng cho thấy triển vọng ngô Mỹ gặp phải sức ép cạnh tranh lớn hơn từ quốc gia Nam Mỹ này.
Ngành chăn nuôi sẽ bước vào quý IV với bối cảnh thuận lợi hơn
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, với dự báo thời tiết tại các khu vực gieo trồng của Mỹ cho thấy hạn hán sẽ không còn quá nghiêm trọng cùng với sức ép từ nguồn cung ở Nam Mỹ, giá nông sản có khả năng sẽ chịu sức ép lớn khi bước vào quý IV tới.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu dự báo thời gian tới giá heo hơi sẽ quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg. Vào cuối năm, giá heo hơi có thể nhích lên một chút do nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng và giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Áp lực đầu vào giảm bớt, trong khi giá thịt đầu ra ổn định đang mở ra triển vọng tích cực hơn cho ngành chăn nuôi nước ta.
Khánh Linh