sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Dầu cọ giảm sâu hơn 8% xuống mức thấp nhất 2 tháng

13/06/2022

Thị trường hàng hoá vừa đóng cửa một tuần giao dịch (06/06-12/06) với những mức biến động rất lớn của một loạt các mặt hàng quan trọng. Tuy nhiên, diễn biến trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ tăng nhẹ 0,63% lên 3.096 điểm. Theo Khối Quản lý Giao dịch, Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), tuần qua ghi nhận mức giảm của dòng tiền đến thị trường do tâm lý thận trọng hơn của nhà đầu tư trong nước trước bối cảnh giá hàng hoá thế giới liên tục biến động với biên độ rộng. Giá trị giao dịch toàn Sở trong tuần trung bình đạt hơn 4.500 tỷ đồng mỗi phiên, giảm khoảng 15% so với tuần trước đó.

Lực bán hoàn toàn áp đảo trên nhóm nguyên liệu công nghiệp

Nhóm Nguyên liệu công nghiệp thu hút rất nhiều sự chú ý của nhà đầu tư trong tuần vừa qua khi chỉ có bông là mặt hàng duy nhất trong nhóm đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng tương đối mạnh 3,78%, chốt tuần ở hơn 2.967 USD/tấn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bán hàng bông niên vụ 21/22 trong tuần trước đó của nước này đạt 259,2 nghìn kiện, tăng 96% so với mức trung bình 4 tuần. Thông tin này đã hỗ trợ đà tăng rất mạnh của giá bông trong hai phiên giữa tuần, khi mà nhu cầu tiêu thụ có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong báo cáo được phát hành vào 23h đêm thứ 6 vừa qua, USDA bất ngờ hạ dự báo nhập khẩu bông của Trung Quốc trong niên vụ 21/22 từ 8,8 xuống còn 8,5 triệu kiện, thấp hơn đến 4,3 triệu kiện so với năm ngoái, đã góp phần kiềm chế đà tăng của giá mặt hàng này.

Trong khi đó, dầu cọ Malaysia dẫn đầu đà giảm của toàn thị trường với mức giảm rất sâu 8,53% sau 3 phiên suy yếu liên tiếp vào cuối tuần và đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 2 tháng. Việc chính phủ Indonesia cắt giảm thuế suất cố định và hạ trần thuế xuất khẩu dầu cọ thô từ mức 575 USD/tấn xuống còn 488 USD/tấn nhằm khuyến khích xuất khẩu, là nguyên nhân chính gây áp lực lên giá trong thời gian gần đây. 

Cùng với đó, các loại hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu khác như cà phê hay cacao, đều sụt giảm mạnh sau khi chỉ số Dollar Index bật tăng mạnh lên mức cao nhất gần 1 tháng. Giá cacao giảm gần 3% sau 4 phiên trượt giá liên tiếp còn cà phê Robusta thậm chí đã giảm cả 5 phiên trong tuần.

Giá ngô bật tăng sau 5 tuần giảm liên tiếp

Trên thị trường nông sản, giá ngô bật tăng mạnh hơn 6% sau 5 tuần giảm liên tiếp, đóng cửa ở mức 773,25 cents/giạ. Ngay từ đầu tuần, lực mua đã hoàn toàn chiếm ưu thế đối với mặt hàng này do những kỳ vọng của thị trường về những số liệu hỗ trợ giá trong báo cáo WASDE tháng 6. Và cũng chính vì lí do này nên trong phiên phát hành báo cáo vào cuối tuần, đà tăng của ngô đã dần dần bị chững lại.  

Nhu cầu ngô tại Mỹ là yếu tố đã góp phần vào đà tăng của ngô trong 4 phiên đầu tuần. Cụ thể, sản lượng ethanol của Mỹ đạt 1.04 triệu thùng. Đây là tuần thứ ba liên tiếp số liệu này ở trên ngưỡng 1 triệu thùng. Điều này cho thấy nhu cầu ngô trong sản xuất ethanol của nước này tiếp tục được duy trì ổn định và củng cố đà tăng cho giá ngô. Bên cạnh đó, theo báo cáo Bán hàng xuất khẩu, khối lượng bán hàng ngô của Mỹ niên vụ 21/22 và 22/23 đều cải thiện so với tuần trước càng hỗ trợ cho đà tăng của giá.

Tương tự như ngô, giá lúa mì cũng đóng cửa tuần trước với mức tăng khá mạnh gần 3% lên gần 1071 cents/giạ. Những kỳ vọng về hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen được nối lại đã hoàn toàn bị xoá bỏ.

Theo hãng tin Ukrinform, Nga đã thực hiện một cuộc tấn công tên lửa vào khu vực cảng Odessa, nơi xuất khẩu ngũ cốc lớn của Ukraine. Cuộc tấn công này đã làm cháy các kho chứa ngũ cốc quan trọng và ảnh hưởng lớn đến khả năng xuất khẩu của Ukraine. Bên cạnh đó, nguồn cung ở các nước sản xuất lớn khác cũng đang gặp phải rủi ro về thời tiết bất lợi. Ở Argentina, tiến độ gieo trồng vẫn đang chậm trễ so với mức 38% trung bình 3 năm. Trong khi đó ở Pháp, FranceAgriMer đã hạ đánh giá chất lượng lúa mì mềm của nước này tuần thứ sáu liên tiếp do thời tiết khô hạn. Trong tuần này, giá lúa mì có thể sẽ tiếp tục đà tăng và hướng tới mốc 1120.

Đà tăng của giá đậu tương thu hẹp khi chạm mức đỉnh lịch sử trong tuần qua

Còn đối với các mặt hàng nhóm đậu tương, trong khi đậu tương và khô đậu tương ghi nhận mức tăng mạnh thì dầu đậu lại giảm nhẹ. Những thông tin về thắt chặt nguồn cung là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương chạm mức đỉnh lịch sử 10 năm.

Trong báo cáo Crop Progress, tiến độ gieo trồng đậu tương tại Mỹ vẫn đang chậm hơn so với năm ngoái và trung bình các năm trước. Bên cạnh đó, báo cáo Export Sales cho biết ở Mỹ, bán hàng đậu tương trong cả 2 niên vụ 2021/22 và 2022/23 trong tuần từ 27/05 đến 02/06 đều cải thiện so với tuần trước đó. Đặc biệt là trong niên vụ 2021/22, bán hàng đậu tương đạt mức 429,945 tấn, cao gấp gần 3 lần so với số liệu tuần trước đó. Nhu cầu đậu tương ngày càng tăng cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá mặt hàng này.

Không chỉ vậy, trong tuần qua, Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) hạ mức dự báo về xuất khẩu đậu tương của Brazil trong tháng 6 xuống 9.41 triệu tấn, thấp hơn so với mức 10.73 triệu tấn trong tháng 5. Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) cũng đưa ra mức dự báo về sản lượng đậu tương niên vụ 21/22 của nước này là 124.27 triệu tấn, giảm so với mức 138.15 triệu tấn của năm ngoái. Tín hiệu kém khả quan về nguồn cung đậu tương đã hỗ trợ đến giá mặt hàng này. Khả năng cao giá đậu tương sẽ quay trở lại test lại vùng kháng cự 1720 trước khi bật tăng trở lại. Trong tuần này, thị trường sẽ dõi theo số liệu từ kết quả của các cuộc họp quan trọng sau:

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)