sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá bông tiếp tục giảm mạnh bất chấp lo ngại về chất lượng mùa vụ

07/07/2022

Đóng cửa hôm qua, thị trường hàng hoá nối dài đà sụt giảm sang ngày thứ 2 liên tiếp. Chỉ có duy nhất nhóm Nông sản giữ được đà phục hồi tuy nhiên mức tăng nhẹ khiến chỉ số hàng hoá MXV- Index chung vẫn giảm hơn 1% xuống 2.501 điểm. Thị trường Năng lượng và Nguyên liệu công nghiệp gây chú ý với những mức biến động rất mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng trong ngày hôm qua. Điều này khiến GTGD toàn Sở có suy yếu, đạt 4.200 tỷ đồng, do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước.

Giá bông ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm

Lực bán vẫn tiếp tục áp đảo hoàn toàn với giá bông sau phiên giảm kịch sàn trước đó. Mặc dù giới hạn giá của bông đã tăng thêm 1 lên mức 5 cents trong phiên hôm qua, tuy nhiên hợp đồng bông tháng 12 vẫn giảm gần hết biên độ này và đẩy giá xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. 

Chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 03/07 giảm 1% về mức 36% tốt – tuyệt vời. Mức giảm trung bình của cả nước là không lớn nhưng tại các bang sản xuất chính ở phía nam, chất lượng đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng từ thời tiết khô hạn. Bất chất các lo ngại về mùa vụ, đồng Dollar tăng mạnh lên mức cao nhất hơn 20 năm đã gây sức ép lớn lên toàn bộ thị trường hàng hóa nói chung và giá bông nói riêng. Bên cạnh đấy, triển vọng tiêu thụ toàn cầu bị ảnh hưởng do lo ngại về suy thoái, và dịch bệnh đe dọa bùng phát trở lại tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông số 1 thế giới, cũng tác động rất tiêu cực lên giá mặt hàng này. 

Theo sau đà giảm của bông tiếp tục là dầu cọ thô, với mức giảm gần 3% trong ngày hôm qua. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 1 năm của mặt hàng này, khi nguồn cung được nới lỏng và lo ngại sự sụt giảm nhu cầu của các nền kinh tế lớn nếu rơi vào suy thoái. Trong phiên, có thời điểm giá dầu cọ đã sụt giảm đến gần 10%, tuy nhiên, sản lượng dầu cọ trong 5 ngày đầu tháng 7 của Hiệp hội các nhà máy xay xát ở Nam bán đảo Mã Lai (SPPOMA) đã giảm 16% so với tháng trước, đã giúp giá dầu cọ phục hồi trở lại vào cuối phiên.  

Các mặt hàng cà phê tiếp tục có sự suy yếu, khi hôm qua là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của Arabica và thứ 5 liên tiếp của Robusta. Việc đồng Real sụt giảm về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 cùng với việc thu hoạch diễn ra thuận lợi, khiến nông dân Brazil tiếp tục đẩy mạnh bán hàng. Trong khi đó, tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US ở mức thấp nhất kể từ 1999 đến nay, vẫn đang hạn chế đà giảm. 

Ở hướng ngược lại, đường thô và đường trắng đồng loạt tăng hơn 1% trong phiên hôm qua, trái chiều với đà giảm của giá dầu thô. Lực mua kỹ thuật ở vùng hỗ trợ quan trọng 17,6 – 17,8 cents của đường thô, đã 2 lần đẩy giá tăng trở lại từ đầu năm đến nay, tiếp tục tác động tích cực đến giá trong phiên hôm qua.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục giảm nhẹ 100 đồng/kg sau ngày sụt giảm sâu 700 đồng/kg hôm qua, hiện dao động từ 41.300 – 41.700 đồng/kg.

Dầu thô tiếp tục giảm mạnh trước áp lực suy thoái kinh tế

Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên hôm qua, khi thị trường lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0,97% xuống 95,53 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,02% xuống 100,69 USD/thùng. 

Dầu  phục hồi nhẹ trong phiên sáng, với giá cả 2 sản phẩm là WTI và Brent đều tăng 2 USD/thùng nhờ lực bắt đáy. Ngân hàng Goldman Sachs vẫn kỳ vọng sức mạnh của thị trường dầu sẽ vượt qua xu hướng chung của thị trường tài chính và nền kinh tế. Trong thông báo mới đến các nhà đầu tư, Gold man Sachs cho biết nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phát triển, và sự gia tăng nhu cầu dầu trong năm nay sẽ vượt trội hơn đáng kể so với tăng trưởng GDP.  

Tuy vậy, đà tăng nhanh chóng bị xóa sách và giá rơi vào đà giảm trong phiên tối. Chỉ sau 2 phiên giảm tuần này, giá dầu đã xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng, trong khi giá WTI đã đánh mất mốc 100 USD/thùng. Thị trường ngày càng trở nên quan ngại về triển vọng vĩ mô chung suy yếu sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu giảm. Theo phát biểu của người đứng đầu IMF, triển vọng kinh tế toàn cầu đã suy yếu đáng kể từ tháng 4 và khó có thể loại trừ khả năng suy thoái toàn cầu trong năm tới.  

Trong biên bản cuộc họp tháng 6, Fed cho biết sẽ có thể duy trì các biện pháp tăng lãi suất trong thời gian tới nếu như lạm phát không hạ nhiệt. Điều này gây áp lực đối với các tài sản tài chính nói chung và đặc biệt là dầu, do chi phí lãi vay tăng sẽ khiến cho các hoạt động sản xuất bị hạn chế, giảm tiêu thụ nhiên liệu nói chung. Ngày càng nhiều các dự báo kỳ vọng Mỹ sẽ bước vào suy thoái trong quý II, khi GDP tăng trưởng âm 2,1%, như dự báo của Atlanta Fed. Dollar Index tiếp tục tăng rất mạnh lên 107,1 càng khiến cho lực bán gia tăng. 

Ngân hàng Citigroup nhận định, nhu cầu tiêu thụ dầu nhiều khả năng sẽ suy yếu trước các rủi ro này. Bên cạnh đó, cuộc đình công tại các mỏ dầu khí tại Na Uy chấm dứt và sẽ sớm quay trở lại hoạt động bình thường cũng là yếu tố gây áp lực cho giá dầu. 

Rạng sáng ngày hôm nay, số liệu của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu tăng trở lại 3,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 01/07, khả năng cao sẽ tiếp tục gây áp lực đến giá, do số liệu này thể hiện nhu cầu có khả năng đang suy yếu, bất chấp tháng 6 và tháng 7 là thời gian giao thông cao điểm tại Mỹ trong kỳ nghỉ hè.  

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)