sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá cà phê có thể tăng trước lo ngại nguồn cung

29/01/2024

Khép lại tuần giao dịch 22-28/1, giá Robusta xác lập đỉnh mới trong 16 năm với mức tăng mạnh 4,51%, kéo theo giá Arabica cao hơn tham chiếu 4,7%. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh tồn kho ở mức thấp đã tiếp tục thúc đẩy giá đi lên.

Theo đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US ghi nhận mức sụt giảm mạnh 5.130 bao. Điều này đã kéo tổng số cà phê đã qua chứng nhận ở hiện tại xuống mức 249.206 bao khi kết phiên 26/1, vùng thấp nhất trong hơn 24 năm qua. Dù vậy, trên sở ICE vẫn còn 73.708 bao, sẽ tạo điều kiện giúp mở rộng dư lượng cho dữ liệu tồn kho.

Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu cà phê tại Brazil được đánh giá có phần chững lại. Theo thống kê sơ bộ từ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) đến ngày 26/1, quốc gia Nam Mỹ này đã xuất đi 3,46 triệu bao cà phê loại 60kg, giảm 10,38% so với cùng kỳ tháng trước. Trong đó, cà phê Arabica dạng hạt cũng chỉ đạt 2,77 triệu bao, thấp hơn 6,55% so với 26 ngày đầu tháng 12. Điều này đã phản ánh lo ngại nguồn cung từ Brazil có thể bị gián đoạn, đặc biệt khi dữ liệu tồn kho vẫn ở mức thấp.

Nhận định: Giá Arabica hôm nay có thể sẽ tiếp tục hướng lên mốc kháng cự tâm lý 200 cents/pound khi mở cửa do phản ứng với thông tin cơ bản và kĩ thuật đều thiên hướng “bullish”.

Trên thị trường Robusta, tình hình nguồn cung cũng đang là tâm điểm chú ý của thị trường. Tồn kho mặt hàng này trên Sở ICE-EU tiếp tục giảm 710 tấn trong tuần kết thúc 28/1. Với tổng số cà phê Robusta đang lưu trữ hiện tại chỉ còn 30,080 tấn, con số này đang phản ánh dữ liệu tồn kho ở vùng thấp kỷ lục kể từ 2014. Với sự đi xuống của dữ liệu tồn kho trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đỏ ngày càng trở nên nghiêm trọng sẽ tiếp tục thúc đẩy lo ngại nguồn cung trên thị trường thắt chặt hơn.

Nhận định: Giá Robusta trong phiên hôm nay nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật do RSI trên khung 1D đã bước vào vùng quá mua. Dù vậy, xu hướng chính của giá vẫn sẽ tăng trước bối cảnh ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)