Tin tức
Giá cà phê trên 2 sàn diễn biến trái chiều nhau do thời tiết và đại dịch Covid quay trở lại
Kết thúc tuần giao dịch 26/10 – 01/11, giá bông tháng 12 trên sàn ICE đóng cửa tuần trước với mức giảm 3.32% xuống mức 68.92 cents/pound, theo xu hướng chung của thị trường tài chính và hàng hóa thế giới. Trong vài phiên gần đây, có vẻ như lực hỗ trợ giá bông Mỹ trên thị trường kỳ hạn đã chững lại, khi tiến độ thu hoạch tại Mỹ có chậm hơn so với cùng kỳ niên vụ trước, nhưng không quá cách biệt với mức trung bình 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, mùa vụ bông Ấn Độ ổn định sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt sản lượng từ Mỹ. USDA chi nhánh Ấn Độ tuần trước dự báo, sản lượng bông niên vụ 2020/21 của nước này sẽ đạt khoảng 29.3 triệu kiện 480 pounds (6.387 triệu tấn), diện tích thu hoạch đạt khoảng 13 triệu ha. Xuất khẩu bông niên vụ 2020/21 của Ấn Độ được dự báo sẽ đạt khoảng 22.7 triệu kiện 480 pounds (4.95 triệu tấn).
Hơn nữa, giá thành rẻ hơn là yếu tố cạnh tranh quan trọng giúp giá bông Ấn Độ chứng kiến mức tăng đáng kể trong thời gian qua. Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Bangladesh đang tích cực mua bông từ Ấn Độ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì quá lệ thuộc vào bông Mỹ vốn đang gặp nhiều điều kiện thời tiết bất lợi. Loại bông Shankar-6 của Ấn Độ, đáp ứng đầu đủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, hiện đang được chào bán với mức giá 40 nghìn rupees (540.08 USD)/kiện 356 kg, trong khi giá bông chất lượng cùng loại của Mỹ hoặc Brazil thường lên tới 42 nghìn rupees (567.09 USD)/kiện 356 kg.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ báo đều cho thấy xu hướng đi xuống của giá bông. Chỉ số MACD đã chuyển sang trạng thái âm, có dấu hiệu chuyển từ hội tụ dương về 0 sang chuỗi phân kỳ âm, mức giá trung bình ngắn hạn đã nhỏ hơn mức giá trung bình dài hạn, cho thấy lực mua đang giảm tốc và lực bán tháo thắng thế. Cùng với đó, giá bông hiện đã rớt xuống dưới đường trung bình động MA18. Tuy nhiên, giá bông sẽ khó có thể giảm sâu tới ngưỡng hỗ trợ 64.96 US cents/pound, khi đường RSI cho thấy giá bông đã đi vào vùng quá bán. Trạng thái này có thể sẽ không duy trì quá lâu, do lực mua bắt đáy có thể bất ngờ xuất hiện, khi có chút động thái tích cực từ tâm lý thị trường trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra, và đưa giá bông trở về xu thế đi ngang hoặc tăng yếu trong vùng trung tính trong một vài phiên tới, khi có thêm các thông tin hỗ trợ thị trường. Báo cáo Crop Prgress của USDA công bố rạng sáng mai 03/11 có thể sẽ mang lại lực hỗ trợ yếu cho giá bông, dù tiến độ thu hoạch chậm vẫn không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát.
Giá ca cao tháng 3 giảm mạnh 7.02% trong tuần trước, xuống mức 2,305 USD/tấn do hai nguyên nhân chính. Một là do đại dịch Covid-19 gây ra lo ngại nhu cầu sử dụng ca cao để sản xuất chocolate sẽ bị sụt giảm. Các báo cáo gần đây cho thấy Bờ biển Ngà, quốc gia xuất khẩu ca cao số 1 thế giới, đang gặp khó khăn trong việc bán phần hàng còn lại trong niên vụ 2019/20, do nhu cầu toàn cầu sụt giảm. Hai là do tình hình bất ổn tại Bờ biển Ngà đang có những chuyển biến theo hướng khác ban đầu. Căng thẳng và bất ổn vẫn diễn ra, nhưng thị trường đang chuyển từ lo ngại về chuỗi cung ứng, sang tập trung vào các tuyên bố của các ứng viên tổng thống rằng họ sẽ tăng giá thu mua ca cao từ người dân. Nếu các tuyên bố này được thực hiện, người dân Bờ biển Ngà sẽ có động lực trồng nhiều ca cao hơn, và đây rõ ràng sẽ là thông tin có tác động tiêu cực lên giá trong trung và dài hạn.
Giá đường tháng 3 tăng trong ba phiên đầu tuần trước nhưng mức giảm trong hai ngày cuối tuần mạnh hơn, khiến giá đóng cửa giảm 2.4% xuống mức 14,36 cents/pounds. Cũng như các mặt hàng khác trong nhóm nguyên liệu công nghiệp, thị trường đường thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực sau các thông tin đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh ở Mỹ và các nước châu Âu. Như cầu sử dụng đường dự báo sẽ giảm mạnh là một nguyên nhân tạo ra lực bán này. Ngoài ra, trên thị trường năng lượng, vốn là thị trường có liên quan mật thiết với giá đường, giá dầu thô sụt giảm hơn 10% cũng tạo ra tâm lý bán ra nhiều hơn trong 2 ngày cuối tuần. Tuy nhiên, các thông tin đang được tập trung trong tuần này, là việc Brazil đã bán ra một lượng đường lớn trong thời gian gần đây, có thể làm giảm nguồn cung của quốc gia này trong ngắn hạn và đây sẽ là thông tin hỗ trợ giá. Vì thế, xu hướng giảm của đường có thể sẽ không kéo dài trong tuần này, cùng lắm sẽ chỉ diễn ra trong 1 – 2 phiên đầu tuần.
Giá cà phê Arabica trên sàn New York tiếp tục có tuần giảm tuần thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 1.14% về 104.40 cents/pound, trong khi đó giá cà phê Robusta trên sàn London bất ngờ tăng rất mạnh % lên mức 1,351 USD/tấn.
Thời tiết có mưa bao phủ rộng khắp các vùng trồng cà phê chính của Brazil, kết hợp với việc đồng Real suy yếu do chính phủ chi tiêu công quá mức trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu còn hạn chế vì đại dịch covid-19 đã tạo sức ép lớn lên giá Arabica. Điều này đã kích thích nông dân Brazil mạnh tay bán ra cho dù giá hiện tại vẫn chưa có sức thu hút đầu cơ. Trái lại, dịch bệnh lây lan khiến nhu cầu tiêu dùng tại nhà gia tăng, trong khi nước ta đang bị mưa bão liên tiếp làm vụ thu hoạch mới năm nay bị chậm lại cũng góp phần hỗ trợ giá cà phê Robusta tại London.
Việc chính phủ Anh vừa ra quyết định phong tỏa toàn quốc trong 4 tuần tới sẽ tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại quán trong thời gian tới. Trong khi đó thời tiết các vùng sản xuất cà phê chính ở Nam Mỹ đang được dự báo sẽ tiếp tục có mưa nhiều, khiến cho giá Arabica khó có thể tăng lại trong ngắn hạn. Điều này có thể khiến các quỹ đầu cơ chuyển sang cà phê Robusta nhiều hơn, do lo ngại về cơn bão Goni đang trên đường đổ bộ trực tiếp vào khu vực Tây Nguyên của Việt Nam.
Tin MXV