sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá cao su giữ vững đà tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ găng tay cao su vẫn rất lớn

09/10/2020

Thị trường nguyên liệu công nghiệp kết thúc phiên hôm qua tràn ngập sắc xanh. Ngoại trừ giá bông giảm nhẹ 0.15%, tất cả các nhóm mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đang được giao dịch liên thông với quốc tế qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đều đồng loạt tăng giá. Điều này kéo theo Chỉ số MXV Công nghiệp tăng 0.34% lên mức 1,366.69 điểm. Trong đó, cao su là mặt hàng chứng kiến mức tăng đáng chú ý hơn cả. Cụ thể, giá cao su RSS3 kỳ hạn tháng 01/2021 trên sàn OSE tăng mạnh 2.22% lên mức 193.2 JPY/kg, cao nhất trong vòng 1 tháng qua, trong khi giá cao su TSR20 giao tháng 11/2020 trên sàn SGX tăng 1% lên mức 140.8 US cents/kg, tiếp tục duy trì xu thế đi ngang trong vòng 2 tháng trở lại đây. 

Dịch Covid 19 khiến nhu cầu găng tay cao su vẫn tiếp tục tăng cao, giúp các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này tại Malaysia ăn nên làm ra. Theo Cơ quan Thống kê Malaysia (DOSM), kim ngạch xuất khẩu găng tay cao su của nước này tăng nhanh, từ mức 1.7 tỷ ringgit (409.24 triệu USD) hồi tháng 3 lên mức 3.17 tỷ ringgit (763.12 triệu USD). 

Diễn biến giá cao su TSR20 giao tháng 11 trên sàn SGX

Diễn biến giá cao su TSR20 giao tháng 11 trên sàn SGX

Nhà sáng lập của các hãng sản xuất găng tay cao su Supermax Berhad và Kossan Rubber Industries, ông Stanley Thai và ông Lim Kuan Sia, nhận được các khoản lợi nhuận kếch xù, nhờ vào nhu cầu tiêu thụ găng tay cao su toàn cầu. Trong khi đó, tài sản ròng của ông Lim Wee Chai, nhà sáng lập của tập đoàn sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới Top Glove Bhd, tăng vọt lên mức 2.5 tỷ ringgit (601.83 triệu USD), sau khi thị giá cổ phiếu của hãng này đã tăng gấp 3 lần kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. 

Tuy nhiên, nguồn lợi từ nhu cầu tiêu thụ găng tay cao su lớn không được phân bổ đều cho tất cả các mắt xích trong chuỗi giá trị thị trường cao su tự nhiên. Đối với người trồng cao su nhỏ lẻ, tình hình lại hoàn toàn trái ngược khi thương lái ép giá thu mua mủ cao su, khiến giá mặt hàng này tại Malaysia đang giảm. Theo ông Zairossani Mohd Nor, Giám đốc Ủy ban Cao su Malaysia, tình hình kinh tế của những người trồng cao su nhỏ lẻ đang là vấn đề lớn. Hiện Malaysia có khoảng 445,479 người trồng cao su cá thể và những người thu hoạch mủ thuê, chiếm tới 90% hoạt động sản xuất cao su của nước này. 

Để trợ giúp nhóm yếu thế này, Chính phủ Malaysia, thông qua Ủy ban Cao su, đã đưa ra biện pháp kích thích sản xuất cao su, bằng cách bù giá, đảm bảo cho giá thu mua luôn phải đạt mức tối thiểu 2.5 ringgit/kg cao su tiêu chuẩn Malaysia (SMR20). Đây được xem là biện pháp tạm thời nhằm giữ động lực sản xuất cho người nông dân, đồng thời tái phân bổ nguồn lực nhằm giúp ngành cao su Malaysia chống đỡ tác động bất lợi của dịch Covid-19.