sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá cao su tăng vững chắc khi thị trường tiêu thụ có dấu hiệu phục hồi

15/10/2020

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua 14/10, thị trường nguyên liệu công nghiệp vẫn tăng trưởng lạc quan. Ngoại trừ giá cà phê Arabica giảm nhẹ, giá các loại nguyên liệu công nghiệp khác đang được giao dịch liên thông với quốc tế qua MXV đều tăng, với biên dộ rộng từ 0.1 đến 2.2%. Điều này giúp chỉ số MXV Công nghiệp tăng 0.40% lên mức 1,375.03 điểm, mức cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Cao su tiếp tục là mặt hàng chứng kiến mức tăng khá trong thời gian qua. 

Cụ thể, giá cao su RSS3 giao tháng 01/2021 trên sàn OSE tăng 0.74% lên mức 203.5 JPY/kg, kéo dài chuôi tăng liên tiếp 5 phiên gần đây, đạt mức cao nhất kể từ khi được giao dịch trên thị trường kỳ hạn hồi cuối tháng 7. Giá cao su TSR20 giao tháng 11/2020 trên sàn SGX tăng 1.22% lên mức 149.2 US cents/kg, đạt mức cao nhất kể từ dầu năm đến nay. Nhu cầu tiêu thụ cao su trong công nghiệp tăng trở lại, trong khi nguồn cung cao su từ Malaysia vẫn tương đối ổn định. Xu thế đi lên của giá cao su trong dài hạn là khá vững chắc.

Diễn biến giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 11 trên sàn SGX

Cơ quan thống kê Malaysia cho biết xuất khẩu cao su tự nhiên của Malaysia trong tháng 8 vừa qua chỉ đạt 42,658 tấn, giảm 6% so với tháng 7. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Malaysia, chiếm tới 46.8% thị phần xuất khẩu, tiếp đến là Đức với 10.1%, Phần Lan 4.3%, Iran 3% và Thổ Nhĩ Kỳ 2.4%. Găng tay cao su vẫn là sản phẩm cao su tự nhiên được xuất khẩu nhiều nhất, với giá trị kim ngạch khoảng 3 tỷ ringgit (722.54 triệu USD), giảm 3.2% so với giá trị kim ngạch tháng 7. 

Tồn kho cao su tự nhiên của Malaysia tiếp tục xu hướng giảm từ tháng 5, đến tháng 8 còn 233,537 nghìn tấn, giảm 0.7% so với mức 235,156 tấn hồi tháng 7/2020. Tồn kho liên tục giảm chứng tỏ nhu cầu thị trường vẫn đang phục hồi, dù còn chậm. Tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa của Malaysia trong tháng 8 giảm 0.6% so với tháng trước, xuống còn 46,745 tấn.