sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá đường khả năng cao tiếp tục suy yếu trước áp lực nguồn cung gia tăng tại Ấn Độ

19/10/2022

Kết thúc phiên giao dịch 18/10, cả bông và đường đều ghi nhận sự suy yếu, trong đó bông giảm gần 1% và đường 11 giảm 0.53%. Nguyên nhân lý giải cho sự suy yếu của 2 mặt hàng đều đến từ sản lượng dự kiến tăng tại Ấn Độ trong niên vụ 22/23, cụ thể sản lượng đường dự kiến tăng 2% lên 36.5 triệu tấn và bông dự kiến tăng 12% lên 34.4 triệu kiện.

Ấn Độ, quốc gia có sản lượng đường lớn thứ 2 thế giới mới đây đã được dự báo có thể sản xuất lên đến 36.5 triệu tấn đường, tăng 2% so với mức 35.8% so với niên vụ 21/22. Với việc dự kiến sẽ tiêu thụ 27.5 triệu tấn đường theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu đường Ấn Độ (ISMA), quốc gia này có thể sẽ xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại.

Dù mức hạn ngạch dự kiến là thấp hơn so với lượng hạn ngạch 10 triệu tấn trong năm trước cũng như mức xuất khẩu thực tế 11.2 triệu tấn cùng năm đó, nhu cầu tiêu thụ đường trên toàn cầu đang đứng trước lo ngại sẽ sụt giảm mạnh khi nền kinh tế trên toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái khi lạm phát tăng cao và Qũy Tiền tệ Quốc tế IMF đã hạ dự báo tăng trưởng trong cả năm 2022 và 2023. Điều này có thể sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ đường giảm mạnh. Bên cạnh đấy, Trung Quốc, nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào của việc sẽ nới lỏng các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Điều này càng thể hiện cho khả năng nhu cầu tiêu thụ sẽ suy yếu, từ đó gây áp lực lên giá. Do vậy, việc sản lượng gia tăng vẫn được xem là yếu tố tác động tiêu cực lên giá đường.

Giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực trong thời gian tới khi Mỹ tuyên bố sẽ giải phóng thêm 15 triệu thùng dầu thô từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) và khả năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng này trước sức ép sắp bước vào thời điểm bầu Hạ viện và Thượng viện trong tháng 11. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung mặt hàng này gia tăng, từ đó gây sức ép lên giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)