Tin tức
Giá đường khả năng cao tiếp tục suy yếu trước thông tin nguồn cung nới lỏng
Kết thúc phiên giao dịch cuối cũng tháng 08, bông và đường diễn biến trái chiều nhau. Trong khi đương nối tiếp chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước thông tin tích cực về thặng dự toàn cầu niên vụ 22/23, bông khởi sắc nhẹ khi lo ngại nguồn cung suy yếu trở lại do Pakistan dự kiến mất 45% sản lượng do lũ lụt nghiêm trọng.
Đồng USD đang trong đà tăng trước những lo ngại tăng lãi suất 0.75% thay vì 0.5% của FED trong lần điều chỉnh vào tháng 09 nhằm kiểm soát lạm phát, khiến cho việc nắm giữ bông tự nhiên trở nên đặt hơn đối với những khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu cũng như giá của mặt hàng này.
Yếu tố thời tiết vẫn tiếp tục ủng hộ cho sự phát triển của bông tại Mỹ trong thời gian tới, dự kiến sẽ là yếu tố hạn chế lực mua của mặt hàng này. Tuy vậy, việc lũ lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại Pakistan với dự kiến sụt giảm 45% sản lượng bông, có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá khi Pakistan là quốc gia có sản lượng lớn thứ 05 thế giới, đồng thời cũng là nước nhập khẩu đứng thứ 2 toàn cầu. Việc sản lượng sụt giảm không chỉ khiến nguồn cung toàn cầu suy yếu mà có thể còn tăng lượng nhập khẩu do quốc gia này nhiều khả năng cần tăng nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu nội địa cũng như hoạt động sản xuất của ngành dệt may.
Triển vọng nguồn cung đang dần trở nên tích cực khi dự báo sản lượng mía đường trong giai đoạn còn lại của niên vụ 22/23 sẽ có sự cải thiện do nhận được lượng mưa sau thời gian dài ảnh hưởng bởi khô hạn từ nửa đầu niên vụ 21/22. Sản lượng đường được dự đoán tăng 3% so với năm trước, đặc biệt tại vùng Trung Nam, khu vực sản xuất đường chính của Brazil, tỷ lệ thặng dự còn lên đến 13%. Điều này dự kiến sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá đường trong thời gian tới.
Giá dầu thế giới cũng nhiều khả năng nối tiếp đà suy yếu sau khi đang phải đối mặt với những bất ổn trong nhu cầu trước lo ngại suy thoái kinh tế. Đặc biệt khi Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các lệnh giới hạn vì Covid 19, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu, từ đó gây sức ép lên giá. Đây sẽ là nhân tố thúc đấy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, giúp nguồn cung nới lỏng và xúc tiến cho đà giảm của đường.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)