Tin tức
Giá hàng hoá nguyên liệu đón nhận lực mua tích cực
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, 23 trên tổng số 31 mặt hàng nguyên liệu đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,29% lên 2.243 điểm, nối dài đà tăng sang ngày thứ ba liên tiếp.
Tâm điểm chú ý của thị trường vẫn hướng đến đà tăng của các mặt hàng quan trọng như dầu thô, kim loại cơ bản, bông, đường,... Nhìn chung, thị trường hàng hoá đón nhận lực mua tương đối tích cực trong ngày hôm qua.
Giá đồng lên cao nhất một tháng, quặng sắt tăng ngày thứ tư
Kết thúc ngày giao dịch 6/11, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa rõ rệt giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Đối với nhóm kim loại quý, giá ba mặt hàng đồng loạt suy yếu, chấm dứt hai phiên tăng liên tiếp. Trong đó, giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 2,83%, dừng chân ở mức 917,6 USD/ounce. Giá bạc đóng cửa tại 23,23 USD/ounce sau khi suy yếu 0,22%. Giá vàng cũng để mất 0,73%, chốt phiên tại mức 1.977,68 USD/ounce.
Sau phiên tăng mạnh vào cuối tuần trước, giá bạc và bạch kim đồng loạt hạ trong phiên đầu tuần, một phần do áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư. Ngoài ra, việc đồng USD và lợi suất trái phiếu phục hồi làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ kim loại quý cũng là lực cản đối với đà tăng của giá.
Cụ thể, chỉ số Dollar Index đứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp, kết phiên tăng 0,18% lên 105,22 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 8 điểm cơ bản lên 4,65%.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, chốt phiên tăng 1,02% lên 8.198,98 USD/tấn, mức cao nhất trong hơn một tháng. Giá quặng sắt tăng 4 phiên liên tiếp, đóng cửa tại mốc 123,79 USD/tấn sau khi tăng 0,69%.
Giá đồng và quặng sắt đang phản ứng tích cực với việc Chính phủ Trung Quốc có thêm chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu hôm Chủ nhật rằng nước này sẽ đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế và tăng cường nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc phát hành và sử dụng trái phiếu chính phủ, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.
Những tin tức này đã củng cố tâm lý nhà đầu tư, giá đồng và quặng sắt cũng được hưởng lợi.
Tuy vậy, giá quặng sắt có mức tăng yếu hơn so với đồng do tin đồn chính quyền Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát thị trường quặng sắt sau khi giá tăng quá nóng.
Trong một diễn biến khác, giá nhôm LME cũng bật tăng 1,31% lên 2,286 USD/tấn, mức cao nhất trong một tháng, do lo ngại nguồn cung thiếu hụt.
Các nhà máy sản xuất nhôm tại tỉnh Vân Nam, một trung tâm sản xuất nhôm chính của Trung Quốc, đang giảm sản lượng vì lo thiếu điện khi bước vào mùa khô. Trong khi đó, tồn kho tại Sở Thượng Hải và Sở LME đều ở mức thấp. Tính đến ngày 3/11, tồn kho nhôm trên Sở LME đạt mức 468.700 tấn, thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2023.
Tồn kho cà phê Arabica xuống mức thấp nhất 24 năm
Chốt ngày giao dịch đầu tuần (6/11), giá bông chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2023 sau khi mất hơn 2% trong phiên hôm qua. MXV cho biết lực bán từ giới đầu tư kết hợp lo ngại nhu cầu thấp tạo nên áp lực kép lên giá mặt hàng này.
Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho biết giới đầu tư tiếp tục cắt giảm vị thế mua ròng đối với 1.151 hợp đồng bông trong tuần kết thúc ngày 31/10. Hơn nữa, Don Shurley, Giáo sư danh dự về kinh tế bông của Đại học Georgia nhận định nhu cầu bông đang rất thấp phản ánh tình hình ảm đạm của kinh tế Mỹ và thế giới hiện nay. Điều này trái ngược với số liệu bán hàng bông Mỹ tăng kỷ lục lên 457.100 kiện trong báo cáo xuất khẩu tuần trước.
Giá dầu cọ cũng ghi nhận mức giảm 0,40% trong phiên hôm qua khi đồng ringgit mạnh lên và triển vọng nguồn cung tăng. Cụ thể, đồng ringgit tăng mạnh khiến giá dầu cọ trở nên đắt đỏ đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí tăng làm hạn chế lực mua trên thị trường. Trong khi đó, Hiệp hội Dầu cọ Malaysia đã chốt mức tăng sản lượng dầu cọ tháng 10 là 7,13%.
Ở chiều ngược lại, giá hai mặt hàng đường ghi nhận mức tăng nhẹ lần lượt 0,65% với đường 11 và 0,77% với đường trắng. Thị trường tiếp tục neo theo lo ngại sản lượng thấp tại các quốc gia sản xuất chính sẽ kéo theo sự thâm hụt nguồn cung trong niên vụ 2023/24. Đặc biệt khi sản xuất đường tại Brazil gặp khó khăn bởi thời tiết.
Chính phủ Brazil cho biết, quốc gia này chỉ xuất khẩu được 2,88 triệu tấn đường trong tháng 10, giảm 10% so với so với mức 3,16 tấn vào tháng 10 năm ngoái. Mưa xuất hiện tại khu vực phía Nam khiến cho hoạt động sản xuất đường bị gián đoạn và khâu vận chuyển cũng gặp khó khăn.
Thị trường cà phê tiếp tục là điểm sáng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Giá Arabica nối dài đà tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp, đóng cửa giá cao hơn tham chiếu 1,64%. Giá Robusta cũng tăng mạnh hơn 2% trong phiên hôm qua. Tồn kho cà phê trên Sở ICE giảm sâu khiến lo ngại về khả năng đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường gia tăng, từ đó tiếp tục hỗ trợ giá đi lên.
Trong báo cáo kết ngày 6/11, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm thêm 12.454 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê lưu trữ về 347.555 bao. Đây là mức tồn kho thấp nhất từng ghi nhận trong hơn 24 năm.
Hơn nữa, đồng Real nội địa của Brazil mạnh lên trong phiên hôm qua, kéo theo tỷ giá USD/BRL giảm 0,32%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống đã phần nào hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil do thu về ít nội tệ hơn. Điều này cũng góp phần thúc đẩy lực tăng của giá cà phê.
Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)