Tin tức
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày hôm qua (23/2) diễn biến tương đối trái chiều. Sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng giá nông sản. Trong khi giá nhiều mặt hàng nhóm năng lượng và kim loại lại tăng lên. Chỉ số MXV-Index rơi nhẹ xuống 2.122 điểm. Giá trị giao dịch đạt trên 4.800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm nông sản thu hút dòng tiền đầu tư mạnh nhất trong 4 nhóm hàng ngày hôm qua khi giá trị giao dịch tăng hơn 180%, chiếm khoảng 28% tổng giá trị giao dịch.
Thị trường nông sản tiếp tục “đỏ”
Theo MXV, sắc đỏ tiếp tục áp đảo thị trường nông sản trong giao dịch hôm qua (22/2). Trong đó, giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tiếp tục suy yếu với mức giảm hơn 1%. Mặc dù tăng mạnh khi bắt đầu phiên tối, tuy nhiên, giá đã thất bại trong việc vượt qua kháng cự 428 và quay đầu lao dốc tại vùng này. Triển vọng thời tiết tích cực tại Argentina là nguyên nhân chính khiến ngô chịu sức ép.
Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết vùng đồng bằng Pampas của Argentina dự kiến sẽ có mưa trong những ngày tới, đặc biệt là phần phía bắc của khu vực. BAGE cho biết phía bắc Pampas và các khu vực phía bắc vùng Lưỡng Hà của Argentina, xung quanh các tỉnh Misiones và Corrientes sẽ nhận được lượng mưa vừa phải đến lớn. Đối với khu vực phía nam Pampas, mưa có thể xuất hiện nhưng BAGE dự báo lượng mưa sẽ không quá lớn. Sau khi bị ảnh hưởng bởi nắng nóng trong giai đoạn cuối tháng 1 và đầu tháng 2, lượng mưa này sẽ giúp vụ mùa tại Argentina phục hồi trở lại và duy trì năng suất tốt.
Ở chiều ngược lại, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 16/2, sản lượng ethanol của Mỹ đã ghi nhận mức tăng nhẹ lên mức 1,08 triệu thùng, trong khi tồn kho sụt giảm. Đây là tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ ethanol của Mỹ đã có sự cải thiện trong tuần vừa rồi, hỗ trợ giá ngô hồi phục nhẹ vào cuối phiên.
Khác với ngô, lúa mì ghi nhận mức tăng nhẹ vào hôm qua, là mặt hàng duy nhất trong nhóm nông sản tăng giá. Thị trường biến động giằng co tương đối mạnh khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Dù vậy, lo ngại về tình hình nguồn cung tại châu Âu đã giúp phe mua có phần chiếm ưu thế.
Trong báo cáo mới nhất, Refinitiv đã hạ báo sản lượng lúa mì của Anh và Liên minh châu Âu (EU) xuống còn 142,3 triệu tấn, giảm 1% so với ước tính trước đó do sản lượng lúa mì từ Pháp, nhà cung cấp ngũ cốc lớn nhất châu Âu, thấp hơn so với dự kiến. Cây trồng tại Pháp đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn trong giai đoạn gieo trồng, khiến tốc độ mùa vụ bị trì hoãn đáng kể. Đối với hoạt động xuất khẩu, APK-Inform cho biết xuất khẩu lúa mì từ EU sang Trung Quốc trong năm 2023 chỉ đạt mức 824.000 tấn, giảm 47% so với năm 2022. Triển vọng nguồn cung thấp hơn từ EU là yếu tố đã góp phần hỗ trợ thị trường.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày hôm qua 22/2 giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta giảm nhẹ. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao tháng 3 ở mức 6.100 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá chào bán dao động ở mức 6.000 - 6.150 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 100 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Giá cà phê chịu áp lực kép
Kết thúc phiên giao dịch 22/2, giá cà phê Arabica giảm 2,63%, giá Robusta đánh mất 2,01%. Những tín hiệu tích cực từ phía nguồn cung kết hợp với tỷ giá USD/BRL tăng đã tạo áp lực kép lên giá
Triển vọng mùa vụ cà phê 24/25 tại Brazil tiếp tục củng cố nguồn cung trên thị trường. Hãng tư vấn StoneX nâng dự báo sản lượng cà phê năm 2024 của Brazil lên 67 triệu bao, tăng 4,2% so với năm 2023. Trước đó, hợp tác xã Cooxupe cũng kỳ vọng sản lượng tại Minas Gerais, bang gieo trồng cà phê chính của Brazil đạt 5,5 triệu bao, vượt mức 5,3 triệu bao trong niên vụ trước.
Cùng với đó, đồng Real nội địa của Brazil giảm mạnh trong phiên hôm qua đã đẩy tỷ giá USD/BRL tăng 0,5% và kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Với Robusta, thị trường quay về phản ứng với số liệu xuất khẩu tháng 1 của Việt Nam khiến giá đánh mất đà tăng. Theo Tổng Cục Hải quan, tháng 1, nước ta đã xuất đi 238.266 tấn cà phê, tăng lần lượt 67,4% và 14,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tháng 12/2023, bất chấp lo ngại chuỗi cung ứng cà phê từ Châu Á bị gián đoạn trên Biển Đỏ. Điều này đã góp phần hạ nhiệt lo ngại về nguồn cung trên thị trường.
Giá bông tiếp tục được củng cố với mức tăng 1,32% nhờ lực kéo từ giá dầu thô. Giá dầu thô tăng hơn 0,5% trong phiên hôm qua, khiến cho Polyester, chất thay thế chính của bông trở nên đắt đỏ hơn. Điều này đã thúc đẩy lực mua dần dịch chuyển sang bông tự nhiên và kéo giá đi lên.
Giá đường 11 quay đầu giảm nhẹ 0,49% trước tín hiệu mới từ nguồn cung tại Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ cho biết họ không có kế hoạch cho phép các nhà máy chuyển hướng sản xuất ethanol nhiều hơn từ mía. Đồng nghĩa, nguyên liệu đầu vào để sản xuất đường được mở rộng và sản lượng đường có khả năng gia tăng thời gian tới.
Giá dầu cọ thô đánh mất 0,62% khi thị trường tiếp tục phản ứng với số liệu xuất khẩu thấp. Nhà khảo sát Intertek testing Services ước tính lượng dầu cọ xuất khẩu của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 2 giảm gần 18,3% so với cùng kỳ tháng trước.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)