sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá lúa mì có thể test lại vùng 585 trước áp lực cạnh tranh từ Nga

13/02/2024

Sau nhịp giằng co trong phiên đầu tuần, giá lúa mì có xu hướng suy yếu trở lại trong sáng nay. Tương tự như ngô, tuy kết quả xuất khẩu lúa mì trong tuần vừa rồi của Mỹ cũng khá tích cực, nhưng là chưa đủ để giúp giá có thể duy trì đà tăng. Áp lực cạnh tranh gia tăng trên thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục là yếu tố gây sức ép lên giá trong hôm nay.

Báo cáo Export Inspections hôm qua cho thấy, khối lượng giao hàng lúa mì của Mỹ trong tuần 2/2 - 8/2 đạt 407.476 tấn, tăng mạnh so với mức 295.540 tấn của một tuần trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu quốc tế đối với lúa mì đã có sự cải thiện đáng kể, khi khối lượng giao lúa mì trong 4 tuần liên tiếp trước đó đều duy trì dưới mức 300.000 tấn. Dù vậy, tác động “bullish” từ báo cáo Export Inspections tuần này có thể bị xóa nhòa bởi áp lực cạnh tranh từ Nga.

Giá lúa mì xuất khẩu của Nga đã có tuần sụt giảm thứ 5 liên tục vào tuần trước. Cụ thể, hãng tư vấn IKAR cho biết Giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein tại các cảng trên Biển Đen của Nga đạt 224 USD/tấn trong tuần vừa rồi, giảm 4 USD/tấn so với tuần trước đó. IKAR đánh giá, điều này đang dần giúp lúa mì Nga lấy lại lợi thế cạnh tranh so với nguồn cung từ châu Âu, đặc biệt là từ Pháp.

Bên cạnh việc giá lúa mì xuất khẩu liên tục giảm, Bộ Nông nghiệp Nga cũng đang đề xuất tăng hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc trong giai đoạn 15/2 - 30/6 thêm 4 triệu tấn, lên mức 28 triệu tấn. Mức hạn ngạch 24 triệu tấn trước đó chỉ áp dụng cho ngũ cốc xuất khẩu tới các nước ngoài Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU). Mức hạn ngạch bổ sung nói trên được cho là sẽ dành cho lượng ngũ cốc được xuất khẩu tới các nước nằm trong EAEU, khi mà nhu cầu đối với ngũ cốc Nga trên thị trường toàn cầu ngày càng gia tăng nhờ ưu thế về giá. Điều này dự kiến sẽ gây áp lực cạnh tranh gay gắt đối với lúa mì Mỹ trên thị trường xuất khẩu, và có thể tác động “bearish” lên giá lúa mì CBOT trong dài hạn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)