sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Giá ngô và lúa mì có thể hướng đến các mức kháng cự quan trọng trong phiên hôm nay

14/07/2021

Giá ngô đã tăng lên trong phiên hôm qua chủ yếu nhờ dự báo thời tiết quay trở lại khô và nóng trong nửa cuối tháng 7, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung và càng khẳng định thêm kỳ vọng của thị trường về mức năng suất ngô sẽ giảm xuống.

Sản lượng ở Mỹ mặc dù vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro về thời tiết nhưng nhìn chung thị trường đã có góc nhìn toàn cảnh về bức tranh nguồn cung ở đây sau khi Bộ nông nghiệp Mỹ đưa ra 2 số liệu quan trọng là diện tích và mức năng suất dự kiến cho niên vụ 2021/22. Nếu không có thay đổi bất ngờ về thời tiết thì giá ngô khó có thể phá vỡ được mức hỗ trợ quan trọng tại vùng 515. Tuy nhiên, để giá ngô lấp lại được khoảng gap down của phiên giao dịch sau ngày nghỉ lễ thì sẽ cần phải có một đợt phục hồi do thời tiết hạn hán hoặc nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc quay trở lại. Trong một vài phiên tới, xu hướng của giá ngô sẽ thiên về giằng co, tích luỹ trên nền đi lên với mức biến động sẽ nhẹ hơn. Thông tin cơ bản cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn về nguồn cung ở khu vực Nam Mỹ.


Xuất khẩu ngũ cốc của Brazil trong tháng 7 được dự báo sẽ tăng lên mức 3.04 triệu tấn, so với 2.38 triệu tấn trong báo cáo trước, mức bán hàng ngô niên vụ 2020/21 của Argentina cũng cao hơn cao hơn 2.3 triệu tấn so với thời điểm này năm ngoái. Trong khi đó, báo cáo Export Inspections tuần này lại cho thấy số liệu giao hàng ngô tuần này của Mỹ lại thấp hơn tuần trước và cùng kỳ năm ngoái. Những thông tin này thể hiện sự cạnh tranh hơn của ngô ở các quốc gia Nam Mỹ và tạo áp lực lên giá ngô CBOT.

Mở cửa phiên sáng nay, bên bán đang chiếm ưu thế, ngô được giao dịch quanh mức 540 cent/giạ. Ngô đang ở trong vùng giá “thoáng” kháng cự và mặc dù xu hướng giảm trước đó vẫn chưa bị phá vỡ và cho tín hiệu đảo chiều nhưng nhịp điều chỉnh tăng này có thể sẽ được tiếp tục. Trong phiên hôm nay, giá ngô có khả năng sẽ hướng lên vùng 550.

Giá lúa mì chìm trong sắc đỏ sau một đợt bán kỹ thuật và chốt lời trong phiên hôm qua. Chất lượng lúa mì vụ xuân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa vụ này và dự kiến trong thời gian tới vẫn sẽ không có thêm sự ủng hộ của điều kiện thời tiết tốt hơn. Đây cũng là yếu tố sẽ hỗ trợ cho giá trong những phiên giảm mạnh.

Công ty tư vấn Nga Sovecon đã hạ dự báo mức sản lượng của nước này năm 2021 thấp hơn 2,7%, xuống còn 3,024 tỷ giạ. Những trận mưa lớn gần đây ở phía Nam đã làm chậm quá trình thu hoạch và dẫn đến thiệt hại về sản lượng. Mùa vụ ở Canada cũng đáng lo ngại khi lúa mì ở đây đang trải qua hạn hán không kém so với mùa vụ ở Mỹ. Những thông tin này cho thấy ở các quốc gia sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới đều đang gặp khó khăn về thời tiết ảnh hưởng lớn lên sản lượng mùa vụ, khiến cho lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt sẽ tăng lên.

Ngược lại, về nhu cầu, các đơn hàng đấu thầu lớn từ các nước vẫn liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây mặc dù chi phí vẫn chuyển cao đã hạn chế phần nào nhu cầu nhập khẩu. Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Iran đã mua tổng cộng hơn 20 triệu giạ lúa mì trong các cuộc đấu thầu gần đây. Với tình trạng nguồn cung đáng lo ngại như hiện nay thì năm nay thị trường sẽ phải đối mặt với tỉ lệ tồn kho/ tiêu thụ lúa mì thế giới thấp nhất trong vòng 14 năm qua.

Mở cửa sáng nay, giá lúa mì đã dẫn dắt đà tăng của toàn nhóm nông sản, kéo các mặt hàng tăng trở lại. Khác với ngô, giá lúa mì thời gian gần đây đang trở nên mạnh hơn, gần như đã lấp lại được khoảng gap down tạo ra từ phiên giảm mạnh trước đó. Với đà tăng hiện tại, trong phiên hôm nay, giá lúa mì có thể tiếp tục hướng lên vùng 652.

Khánh Linh