Tin tức
Giá Robusta khả năng cao sẽ quay lại đà giảm trước áp lực từ số liệu xuất khẩu tháng 09 của Indonesia
Kết thúc phiên giao dịch 27/10, Arabica nối dài chuỗi 12 phiên giảm liên tiếp trước áp lực từ triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 23/24 tại Brazil. Trong khi đó, Robusta khởi sắc với mức tăng khiêm tốn 0.16% do đồng Real mạnh lên, làm hạn chế lực bán từ nông dân Brazil.
Sau dự báo hạ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu của các chuyên gia kinh tế được khảo sát bởi Reuters, mới đây Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế tại Châu Á với mức giảm 0.9% trong năm 2022 so với mức dự báo 4.9% hồi tháng 04 của tổ chức này. Sự điều chỉnh này càng khiến thị trường lo lắng hơn về một cuộc suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê giảm mạnh, từ đó gây áp lực lên giá.
Yếu tố tỷ giá cũng đang là một vấn đề rất quan trọng đối với diễn biến giá cà phê ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới. Tỷ giá đồng Dollar trên nội tệ tại 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Việt Nam và Brazil đang ở mức cao đã thúc đẩy hoạt động bán hàng từ phía người dân để thu về nhiều nội tệ hơn. Trong khi đồng Dollar Mỹ tăng cao cũng khiến giá cà phê đắt hơn đối với các quốc gia nhập khẩu, từ đó hạn chế lực mua. Đây cũng đang là yếu tố gây sức ép lên giá.
Dự báo thời tiết trong 10 ngày tới tại Việt Nam cho thấy khu vực Tây Nguyên sẽ có nắng thường xuyên và nhiệt độ sẽ ấm hơn bình thường từ 1 đến 2 độ C. Điều kiện thời tiết như vậy có thể sẽ hỗ trợ hoạt động thu hoạch cà phê diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn, đồng thời gây áp lực lên giá.
Theo dữ liệu từ một văn phòng địa phương tại Indonesia, quốc gia có sản lượng Robusta đứng thứ 3 thế giới đã xuất khẩu được 53,268 bao cà phê loại 60kg trong tháng 09, tăng 136.02% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nguồn cung đang rất sẵn sàng tại quốc gia này và dự kiến sẽ là yếu tố kéo giá đi xuống.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)