Tin tức
Hạn hán tại Thái Lan hỗ trợ giá đường
Kết thúc phiên hôm qua, đường là mặt hàng nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự biến động giá đáng chú ý nhất. Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US tăng 1.92% lên mức 12.23 US cents/pound. Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 cũng tăng tới 1.81% lên mức 12.38 US cents/pound. Giá đường trắng giao tháng 8 trên sàn London cũng tăng mạnh 1.7%. Kỳ vọng sản lượng mía đường tại vùng Trung tâm miền Nam Brazil giảm góp phần hỗ trợ giá đường. Thêm vào đó, giá dầu thô tăng hơn 1% trong phiên hôm qua cũng phần nào trung hòa việc đồng USD mạnh lên hơn 1% so với Real Brazil trong phiên hôm qua.
Một thông tin quan trọng khác có lợi cho giá đường là tình hình hạn hán đang diễn ra nghiêm trọng tại Thái Lan, buộc chính phủ nước này phải thông qua gói hỗ trợ trị giá 10 tỷ baht (319 triệu USD) để giúp đỡ người trồng mía. Bangkok kỳ vọng khoảng 300 nghìn nông dân sẽ được nhận được hỗ trợ từ gói chính sách này. Thái Lan hiện là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới, sau Brazil, nhưng sản lượng đường từ tháng 12/2019 đến tháng 4/2020 của nước này sụt giảm tới 40%. Văn phòng mía đường Thái Lan dự báo, sản lượng đường của nước này sẽ tiếp tục giảm khoảng 20% trong niên vụ 2020/21, do nhiều nông dân đã chuyển sang canh tác cây trồng khác.
Diễn biến xuất khẩu đường Brazil và Thái Lan (1990-2020) (Đơn vị: Nghìn tấn, Nguồn: USDA)
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ lạc quan nhận định hoạt động sản xuất đường của nước này sẽ trở lại bình thường trong vòng 4 tháng tới. Báo cáo của Bộ Thực phẩm, Phân phối công và Các vấn đề tiêu dùng Ấn Độ cho biết, nhu cầu tiêu thụ đường nội địa giảm khoảng 1 triệu tấn khiến các doanh thu thực hiện của các nhà máy mía đường giảm sút và tăng nợ đọng tiền thu mua mía của nông dân. Dự báo việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa và tái mở cửa nền kinh tế sẽ giúp cho các nhà máy mía Ấn Độ bán được thêm 8.4 triệu tấn đường trong vòng 4 tháng tới. Cục Thông tin báo chí Ấn Độ công bố một số số liệu đáng chú ý về hoạt động sản xuất đường niên vụ 2019/20 như sau:
- Tồn kho đầu vụ (ngày 01/10/2019) – 14.5 triệu tấn
- Sản lượng ước tính niên vụ 2019/20 – 27 triệu tấn
- Tiêu thụ nội địa ước tính – 25 triệu tấn
- Xuất khẩu ước tính niên vụ 2019/20 – 5.5 triệu tấn
- Tồn kho cuối vụ dự báo (ngày 30/09/2020) – 11.5 triệu tấn
- Tồn kho tính đến ngày 30/04/2020 – 23.5 triệu tấn
Tải bản tin Nguyên liệu công nghiệp tại đây.
Tin MXV