sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Hi vọng tăng xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc ngày một xa vời

04/03/2020

Washington và Bắc Kinh dự kiến kí thoả thuận thương mại giai đoạn một trong tuần này, nhưng lượng lớn đậu nành Brazil được Trung Quốc thu mua và chính sách bất ngờ từ quốc gia châu Á đã làm giảm hi vọng Trung Quốc sẽ nhập khẩu gấp đôi sản phẩm nông sản Mỹ trong năm nay.

 

Washington và Bắc Kinh dự kiến kí thoả thuận thương mại giai đoạn một trong tuần này, nhưng lượng lớn đậu nành Brazil được Trung Quốc thu mua và chính sách bất ngờ từ quốc gia châu Á đã làm giảm hi vọng Trung Quốc sẽ nhập khẩu gấp đôi sản phẩm nông sản Mỹ trong năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về viễn cảnh Trung Quốc mua 40 tỉ USD giá trị nông sản Mỹ vào năm 2020 như là điều kiện chính của thỏa thuận giai đoạn một, nhằm xoa dịu cuộc chiến thương mại nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2018.

Cuộc tranh chấp, được đánh dấu bằng những đợt trả đũa thuế quan lẫn nhau, đã làm gián đoạn dòng chảy hàng tỉ USD giá trị hàng hóa và đe dọa làm chậm tăng trưởng toàn cầu, khiến thị trường tài chính chao đảo. 

Tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng thổi một cơn gió lạnh xuyên suốt ngành nông nghiệp Mỹ, khu vực có nhiều cử trị chính trị quan trọng đối với ông Trump khi ông muốn tái cử vào tháng 11 năm nay.

Tuần trước, Bắc Kinh cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He, lãnh đạo của phái đoàn Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, sẽ kí thỏa thuận giai đoạn một tại Washington vào tuần tới.

Tuy nhiên, các thoả thuận mua đậu nành Brazil của Trung Quốc, gồm khoảng một chục tàu lớn trong tuần này, tương đương khoảng 800.000 tấn, đang làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc có nhu cầu đối với nguồn cung đậu nành khổng lồ của Mỹ sau khi thỏa thuận được thực hiện.

Lợi nhuận nghiền đậu nành thô vào thức ăn chăn nuôi và dầu ăn tại Trung Quốc đã được cải thiện vào giữa năm 2020, mùa cao điểm của xuất khẩu đậu nành Brazil, theo hai thương nhân có trụ sở tại Trung Quốc.

Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong quí đầu tiên của năm nay đã được đáp ứng, các thương nhân chia sẻ với Reuters. 

"Yếu tố quan trọng đối với các nhà máy nghiền là liệu đậu có rẻ hay không, ngay cả khi đứng trước một thỏa thuận thương mại. Nếu các loại đậu từ Nam Mỹ có giá rẻ, người mua sẽ tìm đến Nam Mỹ", một trong những thương nhân cho biết.

Không có thông tin chi tiết về danh sách thu mua trị giá 40 tỉ USD đã được công bố, và Trung Quốc chưa xác nhận bất kì cam kết mua hàng nào. 

Sự tăng giá trên thị trường ngũ cốc và chăn nuôi của Mỹ diễn ra sau thông báo ngày 13/12 về một thỏa thuận thương mại đã dần biến mất. 

Ngoài ra, các nguồn tin tại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã tạm ngừng kế hoạch thực hiện trộn xăng dầu toàn quốc với 10% ethanol trong năm nay. 

Kế hoạch này đã thúc đẩy hi vọng về xuất khẩu nhiên liệu sinh học Mỹ sang Trung Quốc, cũng xuất khẩu ngô Mỹ để sản xuất trong nước.

Thông tin về nhu cầu ethanol của Trung Quốc sẽ không tăng được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh cho biết sẽ không tăng hạn ngạch nhập khẩu ngũ cốc với thuế suất thấp để đáp ứng khối lượng xuất khẩu lớn hơn từ Mỹ.

Hôm 9/12, ông Gao Feng, phát ngôn viên của Bộ thương mại Trung Quốc, cho hay Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện việc quản lí hạn ngạch thuế quan đối với lúa mì, ngô và đậu nành theo các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới, và sẽ tận dụng hạn ngạch dựa trên điều kiện thị trường.

Trung Quốc vẫn có thể tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ, ông nói.

Mặc dù vậy, các nhà quan sát thị trường đặt câu hỏi liệu mục tiêu 40 tỉ USD của Mỹ có thể đạt được nếu không nhập khẩu lượng lớn của một loạt các hàng hóa.

Hi vọng tăng xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc ngày một xa vời - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters.

Cạnh tranh gay gắt

Hầu hết lượng nông sản Mỹ được Trung Quốc thu mua trong những tuần gần đây vẫn ở dưới mức trước cuộc chiến thương mại, gồm cả đậu nành, mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Mỹ.

Các thoả thuận mua đậu nành vụ mùa hiện tại của Mỹ đạt khoảng 11 triệu tấn tính đến ngày 26/12/2019, so với khoảng 24,5 triệu cùng kì năm 2017, theo dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Các nhà cung cấp của Mỹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ vụ mùa dự kiến đạt kỉ lục từ Brazil, với vụ thu hoạch sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.

Hoạt động xuất khẩu thịt heo của Mỹ gần đây đã trở nên tươi sáng hơn, tăng lên mức cao ỉỷ lục vào cuối năm ngoái khi Trung Quốc phải chật vật với thiệt hại khoảng một nửa đàn heo trong nước vì dịch tả heo châu Phi bùng phát. 

Doanh thu bán thịt heo của Mỹ, tính đến tháng 11/2019, chỉ đạt hơn 1 tỉ USD, nhưng việc tiếp tục mua với tốc độ gần đây có thể đưa lượng mua hàng năm lên khoảng 2 tỉ USD.

Xuất khẩu thịt gia cầm, đã đạt đỉnh gần 722 triệu USD mỗi năm một thập kỉ trước, đã suy yếu trong những tháng gần đây. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán nhu cầu thịt của Trung Quốc để bổ sung cho nguồn cung thịt heo thiếu hụt có thể, cuối cùng, thúc đẩy giá trị thu mua hàng năm lên 1- 2 tỉ USD.

Tháng trước, công ty tư vấn JCI của  Trung Quốc đã đưa ra tầm nhìn về việc hoàn thành mục tiêu 40 tỉ USD của Bắc Kinh bằng cách dự kiến nhập khẩu của gần như toàn bộ nông sản có thể thu mua phá kỉ lục, với một số ở mức giá cao hơn mức hiện tại. 

Mặc dù vậy, công ty cho biết các dự đoán của họ dựa trên những yếu tố như giá cả và chất lượng có lợi cho việc mua hàng của Trung Quốc.

Những chuyên gia khác thận trọng hơn.

"Khả năng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu hàng năm này trong vòng 3 - 5 năm tới thay vì 2 năm", theo ông Arun Sundaram, chuyên gia phân tích vốn chủ sở hữu của CFRA Research.

Ông ước tính Trung Quốc thu mua khoảng 15 - 20 tỉ USD giá trị nông sản Mỹ trong năm nay. 

Theo kinhtetieudung