Tin tức
Hoạt động xuất khẩu ở biển Đen được nối lại, thị trường nông sản đỏ lửa
Kết thúc tuần giao dịch 30/05 – 05/06, chỉ số MXV-Index vẫn tiếp tục duy trì được sắc xanh sau khi đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 05. Tuy nhiên, mức tăng trong tuần đầu tiên của tháng 06 là không đáng kể khi có đến 3 trên 4 nhóm hàng hóa đóng cửa trong sắc đỏ. Đáng chú ý nhất trong tuần vừa rồi vẫn là mức tăng mạnh gần 4% của nhóm năng lượng lên mức kỷ lục mới, qua đó giúp chỉ số MXV-Index tăng 0,07% lên 3.076,85 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ổn định ở quanh mốc 4.700 tỉ đồng mỗi phiên.
Dầu thô tăng mạnh liên tiếp 6 tuần, chính sách của OPEC+ không đủ hạ nhiệt giá dầu
Dầu thô duy trì đà tăng trong 6 tuần liên tiếp, khi thị trường được dẫn dắt bởi các lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Giá WTI tăng 3,3% lên 118,87 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 3,6% lên 119,72 USD/thùng.
Sau một thời gian dài thảo luận, cuối cùng nhóm các nước thuộc Liên minh châu Âu EU cũng đã thống nhất được kế hoạch chi tiết để cấm vận dầu nhập khẩu dầu từ Nga. Cụ thể, EU sẽ có 6 tháng chuẩn bị để dừng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô qua đường biển và 8 tháng để dừng nhập khẩu các sản phẩm tinh chế. Một số thành viên như Hungary sẽ nhận được miễn trừ khỏi các lệnh cấm, giúp cho họ vẫn được mua dầu Nga với khối lượng lên đến 300.000 thùng/ngày. Tuy vậy, theo dự đoán của công ty nghiên cứu Platts Analytics, bất chấp các ngoại lệ, đến cuối năm nay, lệnh cấm này vẫn sẽ khiến cho xuất khẩu của Nga sang châu Âu giảm khoảng 1,9 triệu thùng/ngày đối với dầu thô, và 1,2 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm tinh chế.
Trong khi sản lượng dầu từ Nga gần như chắc chắn sẽ giảm như vậy, các nước tiêu thụ lớn vẫn đang loay hoay trong việc tìm nguồn cung thay thế. Mới đây nhất, theo kết quả cuộc họp chính sách của OPEC+, nhóm sẽ gia tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, cao hơn so với cam kết 432.000 thùng/ngày trong giai đoạn trước đó. Mặc dù là một tín hiệu đáng mừng, nhưng số lượng này khó có thể bù đắp được sự thiếu hụt sản lượng của Nga. Trong khi đó, theo số liệu của nhà cung cấp dịch vụ Baker Hughes, tuần vừa rồi nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ tiếp tục không tăng số lượng giàn khoan dầu khí, mà giữ nguyên ở mức 727 giàn. Số lượng giàn khoan là một chí báo sớm cho khả năng tăng sản lượng, do đó thông tin vừa rồi gợi ý sản lượng dầu tại Mỹ khó có thể tăng bù mạnh để kịp mùa lái xe cao điểm từ tháng 6.
Việc Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải trong tuần vừa rồi cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu. Cùng với các cam kết hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ, thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong cả lĩnh vực giao thông và sản xuất sẽ còn phục hồi, sau khi sụt giảm trong giai đoạn tháng 3 tháng 4.
Lo ngại nguồn cung được tháo gỡ, lúa mì giảm kịch sàn
Ở hướng ngược lại, lực bán áo đảo trên nhóm nông sản và dẫn đầu là mức giảm rất mạnh của giá ngô và lúa mì. Lúa mì Chicago giảm sâu hơn 10%, đóng cửa tuần ở mức 382 USD/tấn. Theo tuyên bố từ điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong một cuộc điện đàm rằng, Nga sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc bằng đường biển không bị cản trở, bao gồm cả ngũ cốc từ các cảng của Ukraine. Hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen được nối lại kể từ sau khi các hoạt động chiến sự diễn ra vào cuối tháng 2 đã gây áp lực mạnh lên giá 2 mặt hàng trên.
Bên cạnh đó, theo các số liệu từ Báo cáo Tiến độ mùa vụ (Crop Progress) trong tuần kết thúc ngày 29/05, tốc độ trồng ngô tại Mỹ đạt 86% diện tích dự kiến, đã bắt kịp mức 87% trung bình 5 năm. Tình hình khả quan của mùa vụ ngô tại Mỹ khi những rủi ro về mùa vụ chậm trễ giảm bớt cũng góp phần thúc đẩy lực bán đối với ngô.
Trong khi đó, tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 2021/22 của Argentina hiện đã đạt mức 94% diện tích dự kiến. Mặc dù vẫn chậm hơn cùng kỳ năm ngoái và trung bình lịch sử, tuy nhiên, đã có những cải thiện đáng ghi nhận trong tuần vừa rồi. Trong bối cảnh tiến độ thu hoạch nhanh và điều kiện thời tiết thuận lợi, Refinitiv đã nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 của Argentina lên mức 42,9 triệu tấn, tăng hơn 1% so với tính trước và gây áp lực lên giá.
Đối với khô đậu, giá đã sụt giảm hơn 5,5% xuống còn 449 USD/tấn trong bối cảnh những lo ngại về nhu cầu vẫn đang bủa vây. Trong tuần trước, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cho biết, Iraq đã báo cáo về một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N8 tại một trang trại phía đông nam Baghdad. Điều này sẽ tiếp tục khiến cho nhu cầu sử dụng khô đậu sụt giảm và là yếu tố tác động tiêu cực đến giá.
Diễn biến trái chiều giữa khô đậu và dầu đậu, kết hợp với lo ngại về nguồn cung dầu thực vật vẫn đang giúp giá dầu đậu duy trì được sắc xanh, trái chiều với toàn bộ các mặt hàng nông sản khác trong tuần vừa rồi.
Trong tuần này, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ phát hành báo cáo Cung - cầu nông sản thế giới vào 23h tối thứ 6. Đây được xem là sự kiện được giới đầu tư chờ đợi nhất hàng tháng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)