sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Hướng đi giúp cà phê Việt vững bước trên 'hành trình giá’ mới

26/09/2024

Nửa năm trở lại đây, giá cà phê nội địa liên tục tạo thêm nhiều đỉnh mới và neo trên 100.000 đồng/kg. Điều này khiến cho nhiều nhà phân tích nhận định rằng giá cà phê Việt đã bước sang một chu kỳ giá hoàn toàn mới. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng duy trì giá cao trong thời gian tới khá bấp bênh khi các yếu tố hỗ trợ đều là khách quan. Về dài hạn, định hướng nâng cao giá trị ngành cà phê thông qua việc tăng tỷ trọng cà phê qua chế biến và phát triển cà phê đặc sản sẽ là con đường “tất yếu” cho sự bền vững của ngành.  

Giá cà phê neo cao vượt kỳ vọng của toàn thị trường 

Khoảng hai năm trước, nhiều người nông dân Việt Nam vẫn còn mơ ước về việc bán cà phê với mức giá 50.000 đồng/kg. Thậm chí, vào vụ thu hoạch, nguồn cung mới dồi dào bị thương lái “ép giá”, nhiều nhà vườn buộc phải chấp nhận bán hạt cà phê với giá dưới 30.000 đồng/kg. Giá bán thấp trong khi chi phí đầu tư cao khiến nhiều nhà vườn từ bỏ canh tác để chuyển sang các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích trồng cũng như sản lượng cà phê giảm trong nhiều năm trở lại đây.  

Mọi thứ đã thay đổi kể từ đầu năm 2023 khi giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) và giá cà phê nhân xô tại Việt Nam đã liên tục tăng cao và phá vỡ nhiều mức giá kỷ lục quan trọng. Thậm chí, bước sang năm nay, theo thống kê từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê trong nước đạt 134.400 đồng/kg vào ngày 30/4, là mức giá cao nhất trong lịch sử tính tới thời điểm hiện nay. Giá cà phê Robusta trên Sở ICE-EU thì liên tục tạo ra những kỷ lục mới, điển hình là mức giá tiệm cận 5.500 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 16/9. Hiện tại, giá cà phê Việt dù không ở đỉnh lịch sử nhưng vẫn duy trì mức giá trên 120.000 đồng/kg, cao gấp 2 đến 3 lần so với trung bình các năm trước đó.  

Giá cà phê nhân xô Việt Nam giai đoạn 2022-2024

Nguồn cung giảm là một trong những nguyên nhân chủ chốt đã dẫn dắt giá tăng trong gần hai năm qua. Đặc biệt tại Việt Nam, nông dân từ bỏ cà phê để trồng sầu riêng, chanh leo… cùng khô hạn kéo dài đầu năm 2024 do ảnh hưởng từ mô hình thời tiết El Nino khiến sản lượng giảm liên tục trong 4 năm gần đây, kéo theo xuất khẩu đi xuống. Hơn thế, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, nguồn cung trong nước giảm ảnh hưởng trực tiếp lên khả năng đảm bảo cân bằng cung – cầu thế giới. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước tính, toàn cầu thâm hụt khoảng 4,9 triệu bao cà phê (loại 60kg) trong niên vụ 2022-2023.  

Sản lượng và xuất khẩu cà phê Việt Nam giai đoạn 2015-2024

Nhận định về diễn biến giá cà phê, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết các yếu tố thúc đẩy giá cà phê liên tiếp tăng mạnh trong thời gian qua đều mang tính khách quan và thiếu bền vững. Cho nên sẽ khó giúp giá duy trì mức cao trong dài hạn. Thị trường cà phê đang ở bước đầu tạo nền móng mới và để duy trì, phát triển về lâu dài vẫn cần các yếu tố mang tính chủ động và dẫn dắt hơn. 

Để giá cà phê Việt “bền vững” 

Việt Nam hiện là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê, tạo nên mối tương quan chặt chẽ trên thị trường cà phê Việt Nam và toàn cầu. Do đó, bên cạnh sự thay đổi từ nguồn cung trong nước, giá cà phê Việt cũng chịu biến động lớn từ “tâm lý đầu cơ” trên thị trường cà phê. Sàn cà phê chủ yếu là giao dịch tài chính, nguồn cung cà phê thấp hơn cầu khiến các nhà đầu cơ sẽ đặt lệnh theo hướng kỳ vọng giá tăng, đẩy giá cà phê lên cao, sau đó chốt lời.  

Sản lượng cà phê giảm tại Việt Nam, kéo theo xuất khẩu đi xuống trong những tháng gần đây; tuy nhiên thương mại trên thị trường toàn cầu thực chất không chịu tác động quá lớn nhờ sự bổ sung từ hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu của Brazil. Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng xuất khẩu từ Việt Nam giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với hơn 2,4 triệu bao; ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta từ Brazil, quốc gia xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ hai thế giới gấp 3,1 lần 8 tháng đầu năm 2023, tương ứng hơn 4 triệu bao.  

Xuất khẩu của Việt Nam và Brazil 8 tháng đầu năm 2024

Về lâu dài, phát triển của ngành cà phê Việt theo hướng bền vững vẫn cần dựa trên cơ sở vững chắc và tuân thủ định hướng phát triển ngành của Nhà nước. Trong Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030, với quan điểm phát triển cà phê đặc sản đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh, giá trị gia tăng và phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi giá trị, thị trường đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; sản lượng cà phê đặc sản khoảng 5.000 tấn; giai đoạn 2026-2030 diện tích đạt 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam; sản lượng cà phê đặc sản khoảng 11.000 tấn. Đồng thời, đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đặt ra mục tiêu duy trì diện tích cà phê cà nước khoảng 640.000 - 660.000 ha; sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê cả nước.  

Kết hợp giữa định hướng dài hạn và bối cảnh hiện tại, mức giá neo cao chính là một lợi thế quan trọng cần tận dụng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, từ xuất khẩu thô qua các dòng cà phê đã qua chế biến.  

“Tập trung phát triển ngành cà phê Việt Nam đi vào chiều sâu, gắn với ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Điều này cũng tạo cơ hội để lợi nhuận được phân bổ đồng đều giữa các đối tượng tham gia trong toàn chuỗi, từ đó tạo nên lợi ích đồng đều, giúp níu giữ và thúc đẩy các đối tượng cùng phát triển vì sự bền vững ngành công nghiệp xuất khẩu tỷ USD”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nhấn mạnh. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)