sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Hướng đi mới cho ngành cà phê trong giai đoạn kinh tế khó khăn

08/12/2022

Lo ngại về suy thoái kinh tế đang là nguyên nhân chính khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê dạng hạt, loại cà phê xuất khẩu chính trên thế giới trở nên ảm đạm trong những tháng cuối năm 2022. Trước bối cảnh đó, ngành cà phê cần chuyển mình để thích ứng và tiếp tục phát triển. Vậy đâu sẽ là hướng đi mới để đảm bảo sự phát triển của ngành trong thời gian tới?

Lo ngại suy thoái kinh tế kéo theo nhu cầu tiêu thụ cà phê thay đổi

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế trên toàn cầu ngày càng hiện hữu sau những đợt tăng lãi suất mạnh và liên tục của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cùng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ cà phê khả năng cao sẽ có sự suy yếu. Sự suy giảm này đến từ việc cà phê là loại hàng hóa không thiết yếu và phụ thuộc nhiều vào sức khỏe nền kinh tế.

Dù vậy, giới phân tích nhận định, lượng tiêu thụ sẽ không có sự thay đổi quá lớn, đặc biệt là tại các thị trường tiêu thụ lâu năm. Trong báo cáo mới nhất về cung – cầu cà phê niên vụ 2022/2023 của Rabobank hồi tháng 09, ngân hàng này dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ không sụt giảm mạnh, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Mỹ và Liên Minh Châu Âu (EU). Cùng với đó, Tổ chức cà phê thế giới (ICO) vẫn giữ nguyên mức dự báo nhu cầu cà phê trong niên vụ hiện tại ở mức 170,3 triệu bao loại 60kg, tương đương mức tăng 3,3% so với niên vụ 2021/2022.

Thay vì cắt giảm hoàn toàn việc sử dụng cà phê để tiết kiệm chi tiêu trong giai đoạn kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển dịch từ thưởng thức tại cửa hàng sang pha chế tại nhà để tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, sau thời gian cả thế giới thực hiện các biện pháp phòng chống sự lây lan của Covid-19, xu hướng này ngày càng phổ biến hơn. Trong báo cáo thị trường cà phê tháng 10 của ICO, xuất khẩu cà phê dạng hạt đạt 8,5 triệu bao, giảm 2,5% so với 8,72 triệu bao của cùng tháng năm trước. Trong khi, tổng xuất khẩu cà phê hòa tan tăng 10,9% trong tháng 10/2022 lên 1,19 triệu bao, nâng tỷ trọng lên 9,5% trong tháng 10 năm nay, so với mức 8,9% của cùng kỳ năm ngoái.

Ưu thế cho các nước xuất khẩu Robusta trong bối cảnh kinh tế suy thoái

Trên thị trường hàng hóa, Arabica và Robusta là 2 mặt hàng cà phê chính đang được giao dịch. Trong đó, Arabica được biết đến là mặt hàng có lượng tiêu thụ lớn hơn nhưng lại có giá thành cao hơn so với Robusta.

Đứng trước bối cảnh người tiêu dùng có chiều hướng cắt giảm chi tiêu cho các loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê, giá cả phải chăng của Robusta đang dần có lợi thế trong việc chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ và trở thành xu hướng mới trong việc tiêu dùng mặt hàng này. Theo dữ liệu từ ICO, trong niên vụ 2021/2022 (kéo dài từ tháng 10/2021 đến hết 09/2022), xuất khẩu Robusta trên toàn cầu tăng 2,9% so với niên vụ trước, trong khi xuất khẩu Arabica lại ghi nhận mức giảm 2,3% so với niên vụ 2020/2021.

Cùng với đó, nguồn cung Robusta tại các nước cung ứng chính vẫn được dự báo có sự tăng trưởng trong niên vụ hiện tại so với niên vụ trước, trái ngược với sự suy yếu của Arabica. Trong ước tính mới nhất về nguồn cung cà phê niên vụ 2022/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra những số liệu tích cực về sản lượng Robusta của Brazil khi đạt mức 22,80 triệu bao và là mức cao nhất trong lịch sử.

Tại Việt Nam, dù USDA dự báo sản lượng sẽ có sự giảm nhẹ, xuất khẩu Robusta niên vụ 2022/2023 vẫn có thể đạt 27,65 triệu bao, tăng so với mức 27,42 triệu bao của niên vụ trước. Nguồn cung sẵn có trong khi nhu cầu tiêu thụ không bị ảnh hưởng quá mạnh bởi suy thoái sẽ tạo cơ hội cho việc đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.

Cơ hội để ngành cà phê của Việt Nam bứt phá

Với lợi thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới, chiếm gần 38% sản lượng toàn cầu và cũng là nước xuất khẩu loại cà phê hòa tan lớn thứ 3 thế giới, sự chuyển dịch từ việc tiêu thụ cà phê hạt sang cà phê hòa tan cũng như cà phê có giá thành rẻ hơn như Robusta, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị phần trên thị trường cà phê. 

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ lâu năm như EU hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với hơn 40% tổng lượng cà phê xuất khẩu hàng năm. Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái đang cận kề, khu vực này cũng không nằm ngoài guồng quay có nhu cầu cao hơn đối với cà phê hòa tan và cà phê giá rẻ như Robusta. Cùng hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, EVFTA với cam kết bỏ thuế cho tất cả các sản phẩm cà phê xuống mức thấp nhất 0%, sẽ là lợi thế giúp hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới. 

Sau sự tăng vọt của giá cước tàu biển do đứt gãy chuỗi cung ứng vì Covid-19, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng loại hình này trong những tháng gần đây đang cải thiện nhanh chóng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, giá cước tàu trong nước và vận chuyển quốc tế đang giảm rất nhiều, thậm chí tàu đi châu Âu giảm chỉ còn 900 USD, giảm sâu đến 50% so thời điểm giá tăng cao trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng tránh sự lây lan của dịch.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, song song với thách thức về nhu cầu tiêu thụ sẽ suy yếu, ngành cà phê vẫn có những hướng đi mới với việc chuyển hướng tiêu thụ sang loại cà phê có chi phí rẻ và thuận tiện hơn sẽ là lợi thế đối với các quốc gia cung ứng Robusta nói chung và Việt Nam nói riêng. Nắm bắt được xu thế này sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cả lượng và kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới, từ đó hạn chế tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế đến ngành cà phê. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)