Tin tức
Khi nào thì đậu tương thoát cảnh “rớt giá”?
Trong hai năm gần đây, giá đậu tương thế giới liên tục suy yếu trong bối cảnh Brazil đẩy mạnh xuất khẩu, làm gia tăng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, vào cuối năm, tâm điểm chú ý của thị trường thường dần chuyển dịch sang việc đánh giá vụ mùa mới của Mỹ. Đây có thể là biến số khiến giá đậu tương đảo chiều xu hướng hiện tại.
Xuất khẩu đậu tương của Brazil tăng cao
Sau 5 tháng đầu năm sôi động, xuất khẩu đậu tương của Brazil được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 6 năm nay. Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự kiến nước này sẽ xuất khẩu 14,88 triệu tấn đậu tương trong tháng 6, cao hơn 1,5 triệu tấn so với tháng 5 và là mức xuất khẩu kỷ lục trong giai đoạn tháng 6 hàng năm.
Xuất khẩu đậu tương Brazil hàng tháng
Việc Brazil đẩy mạnh xuất khẩu được củng cố phần nào nhờ sản lượng năm nay ở mức tốt. Trong báo cáo Cung cầu Nông sản Thế giới tháng 6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) duy trì dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2023-2024 của Brazil ở mức 153 triệu tấn, mức lớn thứ hai trong lịch sử.
Kể từ tháng 6, nông dân Brazil thường bắt đầu hoạt động thu hoạch ngô vụ 2, chiếm khoảng 75% tổng sản lượng ngô cả nước. Theo hãng tin địa phương AgRural, tiến độ thu hoạch tính tới ngày 13/6 hiện đã đạt 21% diện tích dự kiến, mức nhanh nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Vì vậy, nông dân Brazil cũng buộc phải đẩy nhanh hoạt động xuất khẩu đậu tương để giải phóng kho chứa cho ngô vụ 2, khiến nguồn cung trên thị trường gia tăng đột biến trong giai đoạn hiện tại.
Nhu cầu nhập khẩu hạn chế từ Trung Quốc
Trong khi xuất khẩu đậu tương cần được đẩy mạnh tại Brazil, thì nhu cầu của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, lại không quá cao.
Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu 37,37 triệu tấn đậu tương, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 5, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc chỉ ở mức 10,22 triệu tấn, giảm 15% so với mức kỷ lục của năm ngoái và không đạt mức 11 – 12 triệu tấn như dự kiến.
Nhập khẩu đậu tương Trung Quốc hàng tháng
Nguyên nhân chính khiến nhập khẩu giảm được cho là do các nhà nhập khẩu đang đợi nguồn cung từ vụ thu hoạch của Mỹ, đồng thời kỳ vọng hoạt động xuất khẩu qua kênh đào Panama diễn ra bình thường.
Trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ mới nhất, USDA cho biết nông dân Mỹ đã hoàn thành gieo trồng 93% diện tích đậu tương dự kiến, thấp hơn so với năm ngoái nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm. Thời tiết thuận lợi tại Mỹ được cho là sẽ giúp nông dân đẩy mạnh gieo trồng, đồng thời cải thiện chất lượng cây trồng. Thị trường hiện đang kỳ vọng Mỹ sẽ có một vụ mùa bội thu trong năm nay, khiến nguồn cung toàn cầu gia tăng.
Trên thực tế, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đến hết năm nay dự kiến vẫn sẽ ở mức cao nhờ ngành chăn nuôi có sự cải thiện, kích nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi.
Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: “Mặc dù nhu cầu nhập khẩu đậu tương từ Trung Quốc vẫn tồn tại, nhưng hiện giờ các thương nhân nước này không có ý định mua quá nhiều hàng. Trong khi đó, nông dân Brazil đang buộc phải bán hàng với giá thấp để giải phóng các kho dự trữ cho vụ ngô sắp tới, đồng thời đưa thế chủ động trên thị trường vào tay người mua”.
“Kịch bản” rớt giá liệu có tiếp tục?
Theo số liệu từ MXV, trong hai năm qua, giá đậu tương được giao dịch liên thông trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) đã giảm hơn 37%. Từ đầu năm nay, giá mặt hàng này cũng đã giảm gần 13%, hiện đang ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2020.
Diễn biến giá đậu tương từ tháng 6/2022
“Mặc dù nguồn cung dồi dào từ Brazil dự kiến sẽ tiếp tục khiến giá đậu tương chịu áp lực, nhưng tôi cho rằng sự chú ý của thị trường ở thời điểm hiện tại đang chuyển hướng sang vụ mùa tại Mỹ”, ông Dương Đức Quang cho biết thêm.
Việc Trung Quốc nắm thế chủ động như hiện tại sẽ chỉ được duy trì nếu vụ mùa tại Mỹ tiếp tục khả quan. Bất kỳ biến động thời tiết bất thường nào ảnh hưởng đến sản lượng năm nay của Mỹ có thể sẽ lại đẩy thế khó quay trở lại với quốc gia tỷ dân.
Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đang ngày càng đề cao tầm quan trọng của an ninh lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột địa chính trị tại biển Đen và Trung Đông ngày càng leo thang. Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngành chăn nuôi heo tại nước này sau nhiều năm càng đòi hỏi các nhà nhập khẩu phải mua lượng đậu tương khổng lồ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi trên thị trường nội địa. Việc Trung Quốc quan tâm đến an ninh lương thực vô hình chung lại lộ rõ sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung nông sản nhập khẩu.
“Nếu đậu tương Mỹ gặp “cú shock” về nguồn cung, các nhà nhập khẩu Trung Quốc ngược lại sẽ không còn quyền tự quyết. Khi đó, giá đậu tương khó có thể giảm được nữa mà sẽ bước vào một đợt tăng mới do Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh nhập khẩu. Các doanh nghiệp nước ta sẽ cần phải theo dõi sát diễn biến thời tiết của vụ mùa tại Mỹ để có thể đưa ra quyết định mua hàng chính xác trong giai đoạn nửa cuối năm nay”, ông Dương Đức Quang nhận định.
Anh Tú