Tin tức
Khô đậu tương có thể điều chỉnh mạnh và hạn chế lại mức giảm của dầu đậu tương
Kết thúc tuần giao dịch 11/01 – 17/01, giá đậu tương tiếp tục có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, với mức tăng mạnh 3.06%. Giá đóng cửa đã vượt lại mốc 1400 lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014 đến nay.
Tác động mạnh mẽ nhất đến giá đậu tương trong tuần vừa rồi không gì khác ngoài việc USDA tiếp tục giảm dự báo tồn kho đậu tương Mỹ niên vụ 20/21 trong báo cáo Cung – cầu tháng 1. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp USDA giảm dự báo về mức tồn kho này và thông tin trên đã ngay lập tức tác động “bullish” mạnh tới thị trường ngay sau thời điểm báo cáo phát hành. Tuy nhiên, đà tăng đã chững lại sau đó do số liệu này đã được thị trường dự đoán trước đó và phần nào đã phản ánh vào giá trong suốt thời gian trước đó.
Các yếu tố “bearish” tiềm ẩn đối với giá đậu tương sẽ ngày càng mạnh lên khi Brazil bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch mùa vụ đậu tương năm nay, chậm hơn so với bình thường khoảng 3 tuần do tác động từ việc gieo trồng muộn. Nguồn cung trở lại thị trường sẽ giảm bớt lo ngại và khiến đậu tương mất đi một lực hỗ trợ quan trọng. Trong khi đó, tồn kho đậu tương tại Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong tuần trước do ép dầu chậm lại, là yếu tố cản trở nhu cầu của quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới này.
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/01. Đường lối của Đảng Dân chủ sẽ thiên về việc thúc đẩy giao thương và hạn chế căng thẳng thương mại với các nước lớn, gây ra lo ngại đáng kể về việc Trung Quốc có thể không cố gắng thực hiện cam kết trong thỏa thuận đã ký hồi đầu năm 2020 với chính quyền ông Trump.
Ở hướng ngược lại, dự báo thời tiết trong 10 ngày tới tiếp tục cho thấy rất nhiều lo ngại đối với mùa vụ đậu tương của Argentina. Gieo trồng gần như đã hoàn tất tại đây nhưng đồng nghĩa với việc phần lớn mùa vụ sẽ phát triển trong điều kiện thiếu hụt độ ẩm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Bên cạnh đấy, gói cứu trợ 1,900 tỷ USD mà ông Biden dự kiến sẽ thông qua ngay sau khi nhậm chức có thể khiến đồng Dollar suy yếu trở lại và làm đồng Real mạnh lên. Điều này sẽ hạn chế bớt lực bán của nông dân Brazil, ít nhất là trong ngắn hạn.
Giá đang giảm khá mạnh khi mở cửa sáng nay, và đang giằng co ở vùng giá hỗ trợ tâm lý 1400. Với các thông tin cơ bản như hiện tại, MXV News dự đoán giá sẽ phục hồi lại trong tối nay và có thể tiếp tục đi ngang ở vùng giá 1400 – 1420.
Xu hướng của đậu tương vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc quyết định xu hướng của giá khô đậu, mặc dù trong tuần trước giá khô đậu tương tăng mạnh đến hơn 5% do cộng hưởng với diễn biến trái chiều từ giá dầu đậu tương. Nhưng nhiều khả năng, giá khô đậu tương sẽ có một đợt điều chỉnh mạnh trong tuần này, khi giá đã tăng đến 20% trong vòng 1 tháng đang hạn chế lực mua rất lớn cả trong nội địa Trung Quốc lẫn các quốc gia châu Á khác. Qua đó, có thể là yếu tố “bullish” với dầu đậu tương trong tuần này sau khi đã giảm đến 4% trong tuần trước. MXV News dự đoán khô đậu tương có thể về giằng co quanh mức 450 USD còn dầu đậu tương có thể sẽ chuyển lên vùng giá 42.00 – 42.50.
Ngô đóng cửa tuần trước với mức tăng lên đến hơn 7%, mạnh nhất trong nhóm nông sản. Đây cũng đã là tuần tăng thứ 6 liên tiếp của mặt hàng này và tổng cộng giá ngô đã tăng gần 25% chỉ sau đúng 1 tháng.
Tương tự như với đậu tương, tác động mạnh nhất đến giá ngô chính là việc USDA tiếp tục giảm dự báo tồn kho ngô cuối niên vụ 20/21 của Mỹ tháng thứ 5 liên tiếp. Trong báo cáo Cung – cầu tháng 1, USDA dự báo con số này chỉ ở mức 1.55 tỷ giạ, so với mức 1.7 tỷ giạ trong báo cáo tháng 12. Không chỉ vậy, tồn kho ngô thế giới niên vụ 20/21 cũng bị giảm dự báo đi 5.2 triệu tấn và sản lượng ngô các nước Nam Mỹ bị giảm dự báo tổng cộng 2.5 triệu tấn, đã giúp giá ngô có phiên chạm limit đầu tiên kể từ tháng 12/2019 đến nay.
Sang tuần này, thời tiết dự báo sẽ thiếu hụt lượng mưa trong 10 ngày tới ở đồng bằng La Pampas của Argentina và bang Rio Grande do Sul của Brazil tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá ngô. Tuy nhiên các hoạt động vận tải được nối lại kèm theo việc chính quyền Argentina đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế xuất khẩu ngô sẽ là yếu tố “bearish” rất mạnh. Trong khi đó, giá dầu thô thế giới có xu hướng điều chỉnh, có thể sẽ khiến lượng ngô phục vụ sản xuất ethanol suy giảm trong tuần này.
Nhập khẩu ngô Trung Quốc trong năm 2020 đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 11.3 triệu tấn, gấp rưỡi so với mức hạn ngạch 7.2 và tăng rất mạnh so với chỉ 2.2 triệu tấn trong năm 2019. Con số này có thể củng cố dự báo của USDA trong báo cáo Cung – cầu tháng 1 đối với nhập khẩu ngô của Trung Quốc, sau khi cơ quan này tiếp tục tăng dự báo thêm 1 triệu tấn, lên mức 17.5 triệu tấn.
Các thông tin cơ bản hiện có tác động khá cân bằng lên giá ngô CBOT, do đó xu hướng của mặt hàng này trong phiên đầu tuần có thể sẽ quyết định xu hướng của cả tuần. MXV News dự đoán giá ngô vẫn sẽ đi ngang trong vùng giá 520 – 540.