Tin tức
Lo ngại về nguồn cung thấp tại Colombia có thể khiến đà giảm của Arabica suy yếu trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/01, giá 2 mặt hàng cà phê tiếp tục duy trì xu hướng trái chiều. Arabica giảm mạnh do tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE US vẫn còn động lượng tăng. Trái lại, Robusta tăng phiên thứ 2 liên tiếp trước những lo ngại về nguồn cung suy yếu tại Việt Nam.
Biên bản cuộc họp lãi suất được FED công bố ngày hôm qua cho thấy cơ quan này đang có những động thái biểu hiện cho việc sẽ chậm lại đà tăng lãi suất trong thời gian tới. Đây được đánh giá là thông tin khá tích cực đối với giá cà phê khi chứng tỏ các điều chỉnh lãi suất trước đó đã phần nào có tác động lên lạm phát, khiến nguy cơ rơi vào suy thoái của các thị trường tiêu thụ hàng đầu là Mỹ và EU được giảm bớt, từ đó bớt gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ. Thêm vào đó, đà tăng của lãi suất được điều chỉnh chậm lại giúp đồng Dollar Mỹ khó tăng mạnh trong thời gian tới, điều này giúp giá cà phê sẽ bớt đắt hơn do chúng được niên yết trên thị trường bằng đồng Dollar Mỹ, giúp kích thích lực mua và hộ trợ giá.
Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung suy yếu tại các nước cung ứng chính vẫn còn hiện hữu. Mới đây, liên đoàn những người trồng cà phê Colombia (FNC), thông báo nguồn cung cà phê tại quốc gia xuất khẩu Arabica lớn thứ 2 thế giới giảm 12% so với năm 2021 và là mức sản lượng thấp nhất trong 09 năm qua. Sản lượng suy yếu kéo theo xuất khẩu cũng giảm từ 12.4 triệu bao trong năm 2021 xuống còn 11.4 triệu bao trong năm ngoái. Việc nguồn cung suy yếu lại do hiện tương La Nina gây nên được đánh giá có thể sẽ là nhân tố kéo giá Arabica hồi phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên, yếu tố gây áp lực khiến giá mặt hàng này giảm liên tiếp trong 4 phiên vừa qua vẫn có dấu hiệu mạnh lên. Theo đó, khoảng 230,000 được cho là đang chờ để phân loại vào các kho dự trữ của ICE US trong thời gian ngắn tới. Điều này sẽ giúp lượng tồn kho đang ở mức cao sẽ tiếp tục được củng cố trong thời gian tới nhưng đây cũng sẽ là yếu tố cản trợ sự hồi phục của giá.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)