Tin tức
Lúa mỳ vẫn còn nhiều lực cản khiến hạn chế đà tăng
Lúa mỳ đóng cửa tăng hơn 3% trong tuần trước, nhưng xu hướng tăng yếu hơn đậu tương và ngô rất nhiều. Khác với các mặt hàng kể trên, lúa mỳ không có tác động tăng từ các báo cáo ngày 30/06 của USDA, mà lực mua chủ yếu đến từ việc USDA đã giảm chất lượng lúa mỳ vụ xuân đi 12% trong vòng 2 tuần gần nhất. Mức giảm này đến từ hạn hán nghiêm trọng ở bang North Dakota đang có chiều hướng nghiêm trọng hơn và lan rộng sang cả phía đông Montana, là khu vực cũng trồng rất nhiều lúa mỳ vụ xuân. Trong khi đó, hạn hán ở vùng đồng bằng phía nam có thể ảnh hưởng tới cả nguồn cung lúa mỳ vụ đông tại Mỹ, nên các lo ngại này khiến lúa mỳ tăng điểm cũng không có gì bất ngờ.
Đối với các thông tin khác, thị trường lúa mỳ thiên về giảm nhiều hơn là tăng. Nga sẽ không áp hạn ngạch xuất khẩu lúa mỳ trong nửa đầu niên vụ 2020/21, trong khi chính phủ Ukraina cũng chưa có kế hoạch sẽ áp dụng hạn ngạch xuất khẩu. Các thông tin này cùng với nguồn cung tăng lên ở biển Đen sẽ cạnh tranh trực tiếp với xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ. Trong những năm qua, lúa mỳ Mỹ có tốc độ xuất khẩu tương đối ổn định, nhưng không thể bứt phá do chỉ có thể bán cho các thị trường truyền thống như Mexico và Nhật Bản. Tại các thị trường cần có sự cạnh tranh về giá và chất lượng, lúa mỳ Nga, Ukraina, Romania và Pháp vẫn đang hoàn toàn áp đảo và lúa mỳ Mỹ hầu như không có cơ hội trong các cuộc đấu giá lúa mỳ quốc tế mà có sự tham gia của các nước này.
Tin MXV