Tin tức
Lực bán có thể sẽ được đẩy mạnh khi giá ngô tiến sát vùng kháng cự 600
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá ngô đang tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh tăng trong phiên thứ 5 liên tiếp và tiến sát lên vùng kháng cự tâm lí 600. Như chúng tôi đã phân tích trong các bản tin trước, lực mua chủ yếu đến từ hỗ trợ kĩ thuật sau khi giá xuất hiện tín hiệu phân kì RSI. Động lượng của đà giảm dần yếu đi được thể hiện qua vùng đáy RSI cao hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh này sẽ khó có thể đẩy giá vượt lên trên mức 600 do triển vọng nguồn cung và nhu cầu ngô đều đang thiên về tác động “bearish”.
Số liệu từ các báo cáo Export Sales vài tuần gần đây đã phản ánh xu hướng xuất khẩu ngô kém hơn của Mỹ. Trong tuần kết thúc ngày 18/05 vừa qua, khối lượng bán hàng ngô thậm chí còn giảm về mức âm do Trung Quốc liên tục hủy các đơn hàng gần đây. Trong báo cáo Cung – cầu tháng 5, USDA đã điều chỉnh mức dự báo xuất khẩu ngô của Mỹ niên vụ 22/23 xuống mức 45.1 triệu tấn từ mức 47.0 triệu tấn trong ước tính trước đó. Trong khi đó, vụ ngô thứ 2 của Brazil chỉ còn vài tuần nữa sẽ bước vào giai đoạn thu hoạch. Vụ ngô safrinha của nước này chiếm khoảng 75% tổng sản lượng cả nước và đang được dự báo sẽ đạt mức kỉ lục trong niên vụ 22/23. Nếu như bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm, xuất khẩu của Brazil sẽ được đẩy mạnh thì áp lực cạnh tranh tới ngô Mỹ sẽ càng lớn hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc và Brazil đã ký kết thỏa thuận thúc đẩy thương mại kể từ cuối năm ngoái.
Không những thế, lượng lúa mì dồi dào với giá rẻ ở Trung Quốc đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường thức ăn chăn nuôi nội địa nước này, làm giảm lượng ngô được sử dụng và có khả năng làm giảm nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc. Với tình hình xuất khẩu kém khả quan như hiện tại, số liệu xuất khẩu còn có thể sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong những báo cáo tới và kéo theo mức tồn kho cuối niên vụ 22/23 và 23/24 gia tăng. Đây là nguyên nhân khiến chúng tôi kỳ vọng xu hướng giảm của ngô vẫn duy trì trong trung hạn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)