sở giao dịch
hàng hóa việt nam

Tin tức

Lực mua đối với thị trường đậu tương có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong phiên hôm nay và hướng giá lên vùng 1545

27/01/2023

Thị trường đậu tương đã bước vào xu hướng tăng trong vài tháng qua, được thúc đẩy bởi đợt hạn hán dai dẳng và ảnh hưởng tiêu cự tới mùa vụ ở Argentina. Tuy nhiên, thời tiết đang trải qua một số chuyển biến đáng kể khi mưa xuất hiện trở lại trong vài ngày qua. Mặc dù độ ẩm vẫn không đủ để chấm dứt hạn hán, nhưng cũng góp phần xoa dịu lo ngại cây trồng tiếp tục bị thiệt hại và ổn định cây trồng trong giai đoạn phát triển. Dự báo trong vài tháng tới vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực về lượng mưa ở Argentina.

Hiện tại, USDA ước tính sản lượng vụ đậu tương niên vụ 22/23 của Argentina là 45.5 triệu tấn và của Brazil là 153 triệu tấn. OilWorld hiện đang là tổ chức có dự báo mức sản lượng vụ mùa Argentina thấp nhất, với 34 triệu tấn. Xét trong bức tranh toàn cảnh, chúng tôi dự đoán vụ thu hoạch ở Brazil và các quốc gia Nam Mỹ khác sẽ bù đắp một phần đáng kể thiệt hại của Argentina. Nếu ước tính dự báo sản lượng của OilWorld ở Nam Mỹ thành hiện thực, tổng sản lượng của Nam Mỹ sẽ thấp hơn 13.5 triệu tấn so với con số dự báo trong báo cáo Cung -cầu tháng 1 của USDA. Tuy nhiên, sản lượng đậu tương toàn cầu vẫn sẽ là đạt kỷ lục ở mức 374.5 triệu tấn.

Quay trở lại mùa vụ tại Mỹ sắp được gieo trồng trong vài tháng tới, nếu nông dân Hoa Kỳ trồng 88 triệu mẫu đậu tương và đạt năng suất trung bình toàn quốc là 52 giạ/mẫu, sản lượng thu hoạch cũng sẽ tăng lên so với năm nay. Nếu được xác nhận, con số trên có thể dẫn đến tồn kho cuối vụ đạt gần 350 triệu giạ, tăng 140 triệu giạ so với ước tính vụ trước. Mặc dù mức tiêu thụ tăng lên 59 triệu giạ so với niên vụ trước nhưng tồn kho cuối vụ vẫn có thể nới lỏng hơn. Nhìn chung, mặc dù hạn hán vẫn chưa phản ánh hết vào đà tăng của giá nhưng triển vọng dài hạn đang dần thiên về “bearish” và có thể khiến cho giá đậu tương khó vượt hẳn lên vùng đỉnh cũ ở mức 1570. Thay vào đó, giá có thể sẽ chỉ test lại vùng kháng cự này và suy yếu.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)