Tin tức
Lực mua mạnh kéo chỉ số MXV-Index quay lại vùng 2.200 điểm

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết tuần giao dịch vừa qua (21-27/4), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đón nhận lực mua mạnh. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng gần 2% lên mức 2.217 điểm. Nhóm nguyên liệu công nghiệp gây chú ý khi dẫn dắt đà tăng của toàn thị trường, trong đó, kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần, giá cà phê Arabica chạm 9.000 USD/tấn - mức cao nhất kể từ đầu tháng 3. Ngược lại, giá dầu quay đầu suy yếu trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung trong tương lai.
Giá cà phê chạm mốc 9.000 USD/tấn
Đóng cửa tuần giao dịch, sắc xanh bao phủ hầu hết thị trường nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng giá rất mạnh. Trên thị trường cà phê, hai mặt hàng Arabica và Robusta có tuần tăng ấn tượng. Kết thúc phiên, giá cà phê Arabica tăng 7,31% lên 8.815 USD/tấn; trong khi đó, giá cà phê Robusta tăng 2,62% lên mức 5.415 USD/tấn. Trong suốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (25/4), giá hai mặt hàng cà phê biến động tăng giảm rất mạnh, Arabica kết thúc leo lên mức cao nhất trong 7 tuần.
Theo MXV, lo ngại về các biện pháp thuế quan tiếp tục chi phối giá cà phê trong tuần qua. Hiệp hội Cà phê Quốc gia Mỹ (NCA) đã chủ động kiến nghị lên chính quyền Mỹ, đề xuất miễn trừ thuế đối với mặt hàng cà phê nhập khẩu, nhằm bảo vệ ngành cà phê trước nguy cơ bị áp thuế mới. Theo thông tin từ Reuters, đơn xin miễn trừ thuế của NCA đã nhận được phản hồi tích cực từ phía chính phủ Mỹ, tuy nhiên, kết quả cuối cùng cũng như thời điểm ra quyết định vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Theo số liệu của sàn ICE, tổng số hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn cà phê Arabica kết thúc vào ngày 22/4 giảm tiếp 2,5% so với ngày 15/4, còn lại 146.006 hợp đồng. Trong khi đó, chỉ số COT Arabica công bố cùng ngày cho thấy vị thế ròng của nhóm quỹ đầu cơ trên thị trường tăng trở lại 4,8%, đạt hơn 36.920 lô, cho thấy nhóm này đang duy trì vị thế mua vượt trội so với vị thế bán.
Về tình hình nguồn cung, theo báo cáo mới nhất từ Hedgepoint Global Markets, sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2025-2026 được dự báo đạt khoảng 63,8 triệu bao (60kg), trong đó cà phê Arabica ước đạt 40,8 triệu bao, còn cà phê Conilon Robusta dự kiến đạt khoảng 23 triệu bao. Mức dự báo này thấp hơn 0,46% so với ước tính hồi tháng 1 và phù hợp với mức dự báo trung bình cho sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ tới. Vụ thu hoạch Conilon tại Brazil đã bắt đầu, trong khi vụ Arabica dự kiến sẽ diễn ra vào giữa năm
Về tồn kho cà phê Arabica, số liệu từ sàn ICE tính đến ngày 25/4 ghi nhận tổng lượng tồn kho đạt khoảng 822.020 bao, tăng 0,75% so với ngày trước đó và tăng 3,32% so với tuần trước. Trong đó, lượng tồn kho tại châu Âu chiếm phần lớn với hơn 757.500 bao (tương đương 92,15% tổng tồn kho), còn tại Mỹ là khoảng 64.500 bao. Đáng chú ý, có tới hơn 470.490 bao (57,2%) trong tổng lượng cà phê đăng ký lưu trữ tại các kho được chứng nhận là cà phê Arabica Brazil. Ngoài ra, lượng cà phê đang chờ phân loại vào ngày 25/4 là 66.566 bao.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô được ghi nhận tại Tây Nguyên vào ngày 28/4 ở mức khoảng 130.000 - 130.700 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê ngày 28/4 tại Đắk Lắk dao động trong khoảng từ 130.600 - 130.700 đồng/kg, tại Lâm Đồng là 130.000 đồng/kg, tại Gia Lai là 130.400 - 130.500 đồng/kg và tại Đắk Nông là 130.600 đồng/kg.
Giá dầu thế giới xác lập tuần suy yếu
Theo ghi nhận của MXV, giá dầu thế giới đã quay trở lại xu hướng giảm trong tuần qua, bất chấp triển vọng về các thỏa thuận thương mại mới giữa các nền kinh tế lớn dần cho thấy những tín hiệu tích cực hơn. Kết tuần, giá dầu Brent giảm 1,6%, xuống còn 66,87 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 1,55%, còn 63,02 USD/thùng. Theo MXV, những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung trong tương lai đã yếu tố chính gây sức ép lên giá dầu trong tuần vừa qua.
Phiên giao dịch đầu tuần chứng kiến mức giảm sâu khoảng 2,5% ở cả hai loại dầu, khi những tác động từ những diễn biến phức tạp trong vòng đàm phán thứ hai giữa Mỹ và Iran tại Italia tác động mạnh mẽ lên giá. Mặc dù các phản hồi tích cực từ vòng đàm phán trước đó tại Oman mở ra khả năng dầu thô Iran trở lại thị trường, nhưng ngay sau đó, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào ngành năng lượng Iran, khiến giá dầu lập tức đảo chiều tăng trở lại khoảng 1,8-1,9% trong phiên ngày 22/4.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt này, cho thấy mối quan hệ Mỹ-Iran vẫn còn nhiều căng thẳng và khó đoán định, từ đó làm giảm tác động tích cực của các cuộc đàm phán lên giá dầu. Bên cạnh đó, theo chuyên gia từ Onyx Capital, đà giảm mạnh trong phiên đầu tuần còn có thể do thanh khoản thấp sau kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, khiến thị trường phản ứng mạnh với mọi thông tin.
Thực chất, tâm điểm của thị trường tuần trước tập trung vào những thông tin xoay quanh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh gồm Nga (OPEC+), khi một số thành viên đề xuất đẩy mạnh kế hoạch tăng sản lượng dầu trong tháng 6/2025. Trước đó, OPEC+ đã bất ngờ tăng mạnh sản lượng trong tháng 5, từ mức dự kiến ban đầu là 135.000 thùng/ngày lên tới 411.000 thùng/ngày, gấp gần ba lần kế hoạch ban đầu.
Trong bối cảnh nhóm OPEC+ đã tăng sản lượng thêm 138.000 thùng/ngày trong tháng 4, những đề xuất tăng sản lượng tiếp tục trong tháng 6 đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dư thừa nguồn cung dầu trên toàn cầu. Thực tế, một số quốc gia thành viên như Iraq và Kazakhstan liên tục vượt hạn mức sản lượng được phân bổ, bất chấp các cam kết cắt giảm. Iraq vẫn duy trì xuất khẩu tăng trong tháng 4, còn Kazakhstan chỉ giảm sản lượng 3% nhưng vẫn cao hơn hạn ngạch 129.000 thùng/ngày.
Lo ngại về dư thừa nguồn cung ngày càng rõ nét khi một số thành viên OPEC+ như Iraq và Kazakhstan vẫn sản xuất vượt hạn ngạch được phân bổ. Iraq dù cam kết cắt giảm 50.000 thùng/ngày nhưng xuất khẩu vẫn tăng trong tháng 4. Trong khi đó, Kazakhstan đã giảm sản lượng khoảng 3% nhưng vẫn vượt hạn ngạch 129.000 thùng/ngày. Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan nhấn mạnh ưu tiên lợi ích quốc gia và duy trì sản lượng tại các dự án lớn do các tập đoàn nước ngoài vận hành, thay vì tuân thủ cắt giảm theo yêu cầu OPEC+
Ở chiều hướng ngược lại, thị trường đặt kỳ vọng vào những thông tin tích cực về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc và khả năng tiến tới một thỏa thuận thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kìm hãm đà giảm giá dầu. Trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện mong muốn đàm phán với Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc cũng đã có phản hồi cho biết nước này sẵn sàng ngồi với bàn đàm phán với Mỹ, tuy vẫn còn giữ nhiều sự thận trọng về các điều kiện để cuộc đàm phán này có thể xảy ra.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Tin tức
Tin nổi bật
Tin tức liên quan

25/04/2025
